Khoản 1 điều 8 Thông tư liên tịch 06 quy định trách nhiệm của người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông phải:
1. Đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật
Nghĩa là, mũ bảo hiểm phải đảm bảo các tính năng tại khoản 1 điều 3, cụ thể như sau:
- Một là, có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 06;
- Hai là, đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2:2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2008; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2. Cài quai mũ theo quy định
- Một là, kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm;
- Hai là, sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
Đồng thời, khoản 2 điều 10 quy định “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.
Căn cứ điểm i khoản 3 điều 6 Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì:
Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ bị phạt từ 100 – 200 nghìn đồng.
Như vậy, hành vi đội mũ bảo hiểm không đúng theo quy định của pháp luật (mũ bảo hiểm giả) được xem là hành vi không đội mũ bảo hiểm (vì bản chất nó không phải mũ bảo hiểm) sẽ bị xử phạt theo quy định trên.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 08/04/2014 09:27:08 SA