Trong thực tế có rất nhiều trường hợp bên cho vay cho vay tiền nhưng không có giấy vay nợ do tin tưởng vào bên vay. Vậy, trong trường hợp này, khi bên vay không trả lại tiền thì bên cho vay có đòi được không?
Thứ nhất, về thời hiệu khởi kiện:
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Do vậy, dựa vào thỏa thuận của các bên về thời hạn cho vay, nếu đến hạn trả nợ mà bên vay không trả lại tiền vay thì có thể xem đó là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay bị xâm phạm. Chính vì vậy, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày đến hạn trả nợ mà bên vay không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án huyện nơi bên vay cư trú để yêu cầu giải quyết tranh chấp
Thứ hai, đối với hợp đồng vay:
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, pháp luật không có yêu cầu về hình thức đối với hợp đồng vay, do vậy, hợp đồng vay tài sản có thể được lập dưới các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015: bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Trường hợp giữa các bên không có giấy vay nợ thì các bên cần có các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh cho quan hệ vay nợ như tin nhắn, bản ghi âm, ghi hình, biên lai chuyển tiền,... và bên cho vay phải nộp kèm những tài liệu chứng này cùng với đơn khởi kiện gửi đến Tòa án theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Như vậy, trường hợp bên cho vay cho vay tiền nhưng không có giấy vay nợ thì vẫn có thể khởi kiện đòi lại tiền vay nếu có những tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cho mối quan hệ vay nợ giữa các bên.