Thực tế hiện nay ở nước ta, tham nhũng xảy ra với mức độ nghiêm trọng và gây ra nhiều tác hại to lớn. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, biện pháp để nhằm ngăn ngừa, phòng, chống và xử lý những hành vi tham nhũng. Quá trình phòng, chống cũng đã phát hiện, xử lý một số lượng đáng kể những trường hợp tham nhũng và đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, nạn tham nhũng vẫn diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi và diễn ra ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực ở nước ta. Phạm vi tác động của tham nhũng vô cùng rộng lớn, nó len lỏi ở bất cứ nơi đâu và gây ra nhiều tác hại nguy hiểm. Mặc dù phạm vi tác động của tham nhũng là vô cùng lớn, nhưng mức độ nguy hiểm mà nó gây ra ở từng nơi là khác nhau. Nơi tác động của tham nhũng gây ra nhiều mối hiểm họa cho đất nước nhất chính là nơi mà cả nhân dân tin tưởng, trông cậy, nơi đầu não của xã hội. Đó chính là các cơ quan Nhà nước.
Chúng ta đều biết được tầm quan trọng của cơ quan Nhà nước đối với một quốc gia. Tuy nhiên, những cơ quan này lại bị ảnh hưởng nặng nề của nạn tham nhũng và nếu không phòng, chống một cách hiệu quả thì sẽ gây ra nhiều hệ luỵ. Công tác phòng, chống tham nhũng luôn là một trong những hoạt động trọng tâm hàng đầu của nước ta, tuy nhiên không mang lại hiệu quả tối ưu. Còn tồn tại nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chưa có một khung pháp lý hoàn thiện quy định cho vấn đề này. Rất nhiều những quy định được ban hành để điều chỉnh cho công tác phòng, chống nạn tham nhũng nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, nhiều quy định chồng chéo lẫn nhau, nhiều kẽ hở và khả năng thi hành không đạt được hiệu quả. Pháp luật chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng nhưng chưa được hoàn thiện thì hiệu quả của công tác này chắc chắn sẽ không cao.
1. Quan niệm về tham nhũng
Có nhiều quan điểm khác nhau về tham nhũng: Quan niệm của Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP)… Mặc dù được tiếp cận với nhiều quan điểm khác nhau nhưng chung quy lại tham nhũng được hiểu là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cho bản thân (theo Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2012 của Việt Nam).
2. Những nguyên nhân và tác hại của tham nhũng
Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế quản lý bộ máy nhà nước còn lỏng lẻo; mức sống của những cán bộ, công chức còn thấp; sự suy thoái đạo đức, nhân phẩm của cán bộ, công chức; văn hoá của người phương Đông và tâm lý của người dân trước nạn tham nhũng.
Những nguyên nhân trên đã làm cho nạn tham nhũng xảy ra và gây ra nhiều tác hại to lớn: Làm sai lệch nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước dẫn đến nhiều hệ luỵ; tha hoá phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; gây mất niềm tin của nhân dân vào Nhà nước; gây tổn hại về mọi mặt của xã hội và giảm vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
3. Khung pháp lý hiện hành về tham nhũng
Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để quy định về vấn đề tham nhũng. Trong số đó có hai văn bản đóng vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tham nhũng là Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2012 và Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Những quy định mà hai văn bản pháp luật này cùng với những văn bản pháp luật liên quan quy định về tham nhũng bao gồm những nội dung cốt yếu sau đây:
- Quy định về các hành vi tham nhũng và những vấn đề liên quan đến hành vi tham nhũng.
- Quy định về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
- Quy định những biện pháp xử lý cho những người có hành vi tham nhũng.
- Quy định về người tố giác hành vi tham nhũng.
- Quy định chức năng, quyền hạn của những cơ quan phụ trách công tác phòng, chống tham nhũng.
4. Những bất cập trong việc áp dụng pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, vấn đề công khai, minh bạch tài sản. Pháp luật đã có một hành lang pháp lý cho vấn đề này, tuy nhiên trong thực tế vấn đề thực thi còn gặp nhiều hạn chế. Việt Nam là quốc gia sử dụng tiền mặt rất phổ biến, nên vấn đề kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức rất khó khăn từ đó dẫn đến việc minh bạch tài sản sẽ không được thực hiện triệt để.
Thứ hai, về vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Luật cũng quy định về thu hồi tài sản tham nhũng nhưng trên thực tế số tài sản thu hồi được chiếm tỷ lệ rất thấp so với số tài sản tham nhũng. Lý do là chưa có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng và thu hồi lại tại sản có được do tham nhũng.
Thứ ba, quy định quá nhiều cơ quan phụ trách công tác phòng, chống tham nhũng. Có nhiều cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Kiểm toán… điều này tạo sự đồng bộ khi triển khai chính sách, nhiệm vụ nhưng gây ra sự không thống nhất trong hoạt động, bởi công tác phòng, chống tham nhũng không phải là nhiệm vụ chuyên trách của những cơ quan này.
Thứ tư, hình phạt dành cho tội danh tham nhũng chưa đủ sức răn đe và quy định về tội tham nhũng chưa đầy đủ trong Bộ luật Hình sự.
Thứ năm, vấn đề bảo vệ người tố giác chưa hiệu quả. Người tố giác có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, hiện nay người phát hiện hành vi tham nhũng rất ngần ngại tố giác vì họ không được bảo vệ tuyệt đối.
5. Kết luận
Ta thấy được tình hình tham nhũng nặng nề cũng như công tác phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều bất cập, hạn chế và đặc biệt là về khung pháp lý quy định về vấn đề này ở Việt Nam. Từ đó chúng ta nhận thấy rằng cần có những biện pháp cứng rắn và một khung pháp lý hoàn thiện hơn quy định về tham nhũng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Trên đây là những điều mình tìm hiểu được, hy vọng nhận được sự chia sẻ nhiệt thành từ mọi người!