Câu chuyện môi trường vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vừa mới đây, một doanh nghiệp xả thải không đúng quy trình ra ngoài công cộng nhiều năm tại TP. HCM đã gây bức xúc cho người dân khu vực này.
Hiện trạng xả thải không phải hiếm gặp tại các thành phố lớn, những khu vực có nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay tại TP. HCM đã dần hạn chế các công ty như thế này.
Dù vậy doanh nghiệp nêu trên nhiều năm nay vẫn không ngừng xả thải trái quy định. Vậy, trường hợp xả thải không đúng quy định sẽ bị xử lý thế nào?
1. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến xả thải
Xả nước thải vào môi trường là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt, nước biển bên trong và ngoài cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
Nhằm bảo vệ nguồn nước và môi trường xung tranh khu vực nhà máy của doanh nghiệp đảm bảo điều kiện môi trường được tốt nhất thì hiện hành về môi trường có quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nghiêm cấm một số hành vi liên quan đến xả thải như sau:
Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Xả nước thải, xả khí thải mà chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Theo đó, doanh nghiệp phải có quy trình xử lý nước thải từ nhà máy của mình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định đủ tiêu chuẩn mới được thải ra môi trường.
Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong trường hợp, đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép xả thải nhưng phải đáp ứng được điều kiện mà doanh nghiệp chưa hoàn thành nhưng lại xả thải thì sẽ bị nghiêm cấm.
Nghiêm cấm hành vi nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Bởi vì các chất thải này chưa được cơ quan nhà nước kiểm duyệt trước có gây hại cho môi trường Việt Nam hay không.
2. Mức phạt tiền hành vi xả thải không đúng quy trình
Căn cứ điểm đ khoản 5 Điều 15 Nghị định 45/2022/NĐ-CP vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề quy định xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
Phạt 40 triệu đồng - 50 triệu đồng đối với hành vi không chấm dứt xả thải, điều chỉnh, thực hiện đấu nối, xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước thải theo quy định đối với cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa.
Hành vi trên làm phát sinh nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì số lợi bất hợp pháp được tính bằng tổng lưu lượng nước thải đã xả ra môi trường chưa qua xử lý xác định trong thời gian vi phạm tính theo m3.
Trường hợp không xác định được thải lượng nước thải thì thải lượng nước thải được tính theo lưu lượng tối đa ngày đêm ghi trong các hồ sơ theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Kết luận thanh tra.
- Kết quả kiểm toán.
- Hồ sơ cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần.
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhân với giá dịch vụ xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh quyết định ban hành tính theo đồng/m3.
Lưu ý: đối với tổ chức có cùng hành vi như cá nhân mức phạt sẽ gấp 02 lần.
3. Xả thải không đúng quy trình có bị phạt tù?
Hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng là một tội nghiêm trọng và được pháp luật quy định rất cụ thể tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017 thì người vi phạm tội này sẽ bị xử lý như sau:
Khung 1: Phạt tiền 50 triệu - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam - dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam - dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác.
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 1.500 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Xả thải ra môi trường từ 500 (m3)/ngày đến dưới 5.000 (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 (m3)/ngày - dưới 500 (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
- Xả thải ra môi trường 500 (m3)/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 300 (m3) trên ngày đến dưới 500 (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần - dưới 10 lần.
Hoặc từ 100 (m3)/ngày đến dưới 300 (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2: Phạt tiền 500 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kilôgam - dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam - dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác.
- Xả thải ra môi trường từ 5.000 (m3)/ngày - dưới 10.000 (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần - dưới 10 lần hoặc từ 500 (m3)/ngày đến dưới 5.000 (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
- Gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung 3: Phạt tiền từ 01 tỷ đồng - 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm - 07 năm:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác.
- Xả thải ra môi trường 10.000 (m3)/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000 (m3)/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
- Thải ra môi trường 500.000 (m3)/giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần - dưới 10 lần hoặc 300.000 (m3)/giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, còn phạt tiền từ 30 triệu đồng - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm.
* Đối với pháp nhân thương mại :
- Phạm tội thuộc (Khung 1) phạt tiền từ 03 tỷ đồng - 07 tỷ đồng.
- Phạm tội thuộc (Khung 2) phạt tiền từ 07 tỷ đồng - 12 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng - 02 năm.
- Phạm tội thuộc (Khung 3) phạt tiền từ 12 tỷ đồng - 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 năm - 03 năm.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng - 05 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm - 03 năm.
Như vậy, hành vi xả nước thải ra môi trường ngoại trừ bị xử phạt hành chính thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất đối với cá nhân là 07 năm tù giam còn đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng và cấm hoạt động vĩnh viễn.