Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
"Điều 10. Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
..."
Trước hết, cần phải hiểu rõ, doanh nghiệp xã hội vẫn doanh nghiệp thông thường, thành lập theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, có hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ là doanh nghiệp xã hội phải cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội đã đăng ký.
Về việc xuất hoá đơn: Phải khẳng định, không có quy định về việc doanh nghiệp xã hội thì không cần phải xuất hoá đơn. Theo nguyên tắc xuất hoá đơn được ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì cũng không loại trừ doanh nghiệp xã hội.
Do đó, chuyện doanh nghiệp xã hội không xuất hoá đơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh là không đúng.
Về vấn đề doanh nghiệp xã hội tiếp nhận các nguồn hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật có phải xuất hoá đơn hay không phải hiểu như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
"Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
..."
Theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp xã hội tiếp nhận các nguồn hỗ trợ bằng tiền mặt không vì các mục đích kinh doanh hay thực hiện dịch vụ cho bên tài trợ (như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo) thì chỉ cần lập chứng từ thu tiền chứ không cần phải xuất hoá đơn. Còn nếu tiếp nhận hỗ trợ tiền mặt nhưng đổi lại doanh nghiệp xã hội phải thực hiện dịch vụ như quảng cáo bảo hành, sữa chữa, khuyến mãi,... cho bên hỗ trợ thì phải xuất hoá đơn vì trường hợp này được xem như thực hiện dịch vụ.
Trường hợp doanh nghiệp xã hội tiếp nhận hỗ trợ bằng hàng hoá, sản phẩm thì bên hỗ trợ phải xuất hoá đơn, kể cả là tặng cho hàng hoá, sản phẩm.