Tình yêu nam nữ diễn ra nơi công sở là điều hết sức bình thường và phổ biến. Vì đây là chuyện riêng tư của nhân viên nên hầu hết công ty thường không để ý. Chính sách của các công ty về vấn đề mang tính riêng tư này cũng khác nhau. Một số công ty để nhân viên tự do yêu đương, không cấm đoán. Nhưng một số khác thì lại đặt ra chính sách cấm mọi chuyện tình cảm nam nữ nơi công sở. Tuy nhiên, cả hai chính sách này đều mang những mặt hạn chế. Nếu cấm đoán thì nhân viên sẽ phải yêu trong bí mật, nhưng nếu để mặc thì có thể tình cảm của họ sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.
Trong tình cảnh tiến không được, lùi cũng không xong, một số công ty, đặc biệt là công ty nước ngoài đã nghĩ ra một giải pháp tối ưu nhất, để nhân viên được tự do yêu đương nhưng cũng không được ảnh hưởng tới công ty, đó là “Hợp đồng tình cảm nơi công sở”. Hợp đồng này xoay quanh nội dung yêu cầu nhân viên yêu đương không được làm ảnh hưởng đến công việc. Doanh nghiệp có thể xử phạt những hành vi không đúng mực như quá thân mật tại công ty, dùng thời gian làm việc để yêu đương hẹn hò hay vì tình cảm mà đối xử thiên vị, bất công,…Ngoài ra, trong hợp đồng có thể nêu lên quyền của doanh nghiệp như chuyển vị trí công tác, thay đổi lịch làm việc,…nếu nhân viên có hành vi kể trên, nhằm tạo tạo môi trường làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp cho tất cả nhân viên.
Đây là một biện pháp khá hay. Tuy nhiên, nó nên chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp đó đã xảy ra nhiều rắc rối phát sinh liên quan đến chuyện tình ái của nhân viên, còn bình thường thì không nên đặt ra vấn đề này. Trên hết vẫn là dựa trên thái độ làm việc và ý thức của mỗi nhân viên. Người có trách nhiệm với công việc, với công ty, cho dù là họ đang yêu đương cũng không làm ảnh hưởng tới việc chung, vẫn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đó gọi là “công tư phân minh”.