Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về định mức giờ giảng như sau:
1. Định mức giờ giảng của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong một năm học: Từ 500 đến 580 giờ chuẩn; và
2. Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng cho phù hợp trong năm học.
Đồng thời, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư trên cũng có nêu về giờ chuẩn và thời gian giảng dạy, cụ thể:
- Giờ chuẩn là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết trước, trong và sau giờ giảng để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy gồm: chuẩn bị giảng dạy; thực hiện giảng dạy; kiểm tra định kỳ kết quả học tập của mô-đun, môn học.
- Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn, trong đó:
+ Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;
+ Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;
+ Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.
Như vậy, định mức giờ giảng của giáo viên dạy sơ cấp nghề được tính theo năm và mỗi năm là từ 500 - 580 giờ chuẩn. Căn cứ vào vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên, hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ quyết định số giờ cụ thể.