Đây là nội dung định hướng và mục tiêu quy hoạch phân ngành năng lượng lĩnh vực chế biến dầu khí quy định tại Quyết định 893/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/7/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Định hướng và mục tiêu quy hoạch phân ngành năng lượng lĩnh vực chế biến dầu khí
- Định hướng:
+ Phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ xã hội để phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.
+ Tập trung phát triển tích hợp lọc dầu với hóa dầu, hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu.
+ Nghiên cứu thực hiện việc đầu tư cải tiến/nâng cấp để phù hợp với xu hướng thay đổi thị trường sản phẩm cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe (như các nhà máy lọc dầu,...). Nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm mới hóa dầu/hóa chất chuyên dụng có giá trị gia tăng cao.
+ Duy trì vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy lọc hóa dầu hiện hữu, các nhà máy chế biến condensate; đa dạng hóa sản phẩm của các nhà máy.
+ Tận dụng vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư để phát triển các nhà máy theo chuỗi chế biến sâu, các nhà máy và cơ sở cung cấp dịch vụ. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chuỗi vận chuyển - tồn chứa - sản xuất và kinh doanh dầu thô/xăng dầu tại khu vực Nhà máy lọc dầu hiện hữu. Triển khai hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
+ Nghiên cứu đầu tư các dự án hóa dầu/hóa chất mới gắn với các trung tâm chế biến dầu khí.
+ Nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo: tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Sản lượng sản phẩm xăng dầu sản xuất đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước.
+ Vận hành các nhà máy an toàn, ổn định với công suất thiết kế, đồng thời tiếp tục cải tiến, tối ưu hóa, đa dạng hóa sản phẩm và thực hiện tiết giảm chi phí.
Định hướng và mục tiêu quy hoạch phân ngành năng lượng lĩnh vực vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí
- Định hướng:
+ Phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng toàn bộ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
+ Tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và xăng dầu.
+ Khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu mới nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2030 nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75 - 80 ngày nhập ròng, trong đó: Dự trữ sản xuất: 20 - 25 ngày sản xuất; Dự trữ quốc gia: 15-20 ngày nhập ròng; Dự trữ thương mại: 30 - 35 ngày nhập ròng.
+ Sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.
Quyết định 893/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 26/7/2023.