Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Quyết định 1225/QĐ-BLĐTBXH về việc điều tra năm 2024 về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp. Theo đó, sẽ tiến hành điều tra tiền lương 3.400 doanh nghiệp để xem xét tăng lương tối thiểu 2025.
Điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh thành
Cụ thể, tại Quyết định 1225/QĐ-BLĐTBXH nêu rõ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành điều tra về:
- Tình hình doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng gần nhất.
- Tác động về chi phí của doanh nghiệp.
- Mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Mức tiền lương bình quân, tiền lương làm thêm giờ, kết cấu tiền lương, mức lương thấp nhất của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2023, năm 2024.
Đối tượng điều tra
Cụ thể, việc điều tra nêu trên sẽ được tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp với 6.800 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 08 vùng kinh tế trên cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Doanh nghiệp được điều tra cần có đại diện theo 03 nhóm quy mô lao động, bao gồm:
- Từ 10 đến dưới 100 lao động.
- Từ 100 đến dưới 300 lao động.
- Từ 300 lao động trở lên.
Xét theo loại hình, doanh nghiệp có thể thuộc nhóm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động theo 03 nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: Nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đối với người lao động cũng cần phải đảm bảo yêu cầu có thời gian làm việc từ 01 năm trở lên.
Cụ thể như sau:
- Vùng Đồng bằng sông Hồng (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc).
- Vùng Đông Bắc (Quảng Ninh).
- Vùng Tây Bắc (Hòa Bình).
- Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An).
- Duyên hải Nam Trung Bộ (Thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa).
- Tây Nguyên (Đắk Lắk).
- Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
- Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Thành phố Cần Thơ).
Theo đó, những địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là:
- Thành phố Hà Nội: 700 doanh nghiệp và 1.400 lao động.
- Thành phố Hồ Chí Minh: 800 doanh nghiệp và 1.600 lao động.
- Tỉnh Đồng Nai: 200 doanh nghiệp và 400 lao động.
- Các tỉnh, thành phố khác như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Dương, mỗi địa phương 150 doanh nghiệp và 300 lao động,…
Mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
- Vùng I: Tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng.
- Vùng II: Tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng.
- Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng.
- Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I cũng tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Theo đó, việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.