Minh xin bổ sung thêm quy trình tuyển dụng người lao động nước ngoài như sau:
- Để bắt đầu tuyển dụng người lao động nước ngoài (NLĐNN); trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, doanh nghiệp phải gửi Báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH) đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến NLĐNN sẽ làm việc. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ có văn bản thông báo chấp thuận hay không chấp thuận việc sử dụng NLĐNN theo từng vị trí công việc mà doanh nghiệp đã giải trình.
- Sau khi tuyển được NLĐNN, doanh nghiệp thực hiện công việc "Đề nghị cấp giấy phép lao động" trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động; hoặc, "Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động" nếu NLĐNN thuộc các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động (Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH).
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
- Doanh nghiệp thực hiện việc "Bảo lãnh cho người lao động nước ngoài được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam". (Mẫu NA2 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA). Thủ tục bảo lãnh thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Theo đó, bên chị nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Nếu chấp thuận thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi thông báo cho bên chị và thông báo cho cơ quan đại diện của VN tại nước mà người nước ngoài cư trú. Công ty chị thông báo cho người nước ngoài liên hệ với cơ quan đại diện của VN nơi họ cư trú để xin cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam làm việc (ký hiệu thị thực LĐ).