>>> Tất cả những điều cần biết về hộ khẩu, tạm trú và tạm vắng
>>> Thủ tục chuyển KT3 sang hộ khẩu
Để đáp ứng yêu cầu của công việc và cuộc sống, thì việc tách khẩu, chuyển khẩu và nhập sổ hộ khẩu đã trở nên phổ biến hơn. Bài viết dưới đây sẽ cho biết điều kiện và thủ tục để thực hiện các hoạt động này:
1. Tách khẩu
Tách sổ hộ khẩu hay tách khẩu là việc một người đang đăng ký thường trú, có tên trong một sổ hộ khẩu thực hiện thủ tục xóa tên trong sổ hộ khẩu đó và đăng ký sổ hộ khẩu mới.
Điều kiện tách sổ hộ khẩu:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2006 thì trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu gồm:
+ Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
+ Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
Trong đó:
Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này, là người đáp ứng được những điều kiện sau:
+ Người không thuộc trường hợp: ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột;
+ Đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này;
+ Được chủ hộ của hộ gia đình hoặc chủ hộ trong sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.
Thủ tục tách sổ hộ khẩu:
Hồ sơ đăng ký tách khẩu gồm:
- Sổ hộ khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Văn bản đồng ý của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nơi nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Chuyển khẩu
Chuyển khẩu hay chuyển sổ hộ khẩu có thể hiểu là việc một người đang có tên trong Sổ hộ khẩu, làm thủ tục xóa tên để chuyển sang một số hộ khẩu khác, thay đổi nơi đăng ký thường trú. Trường hợp này, không có sự ra đời của sổ hộ khẩu mới.
Điều kiện chuyển sổ hộ khẩu:
Người muốn chuyển sổ hộ khẩu đáp ứng 02 điều kiện sau đây:
- Người đã đăng ký thường trú mà có nhu cầu thay đổi nơi đăng ký thường trú;
- Phải đáp ứng các điều kiện đăng ký thường trú theo quy định tại điều 19, 20 Luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013.
Chuyển sổ hộ khẩu được cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu:
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 28 Luật cư trú 2006 thì công dân khi chuyển nơi thường trú được cấp giấy chuyển hộ khẩu trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Chuyển sổ hộ khẩu không phải cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu:
a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;
c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
d) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;
đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.
Thủ tục chuyển sổ hộ khẩu:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu, bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).
Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân. Trường hợp chuyển cả hộ thì ghi rõ vào giấy chuyển hộ khẩu và sổ hộ khẩu là chuyển đi cả hộ để cơ quan Công an nơi chuyển đến thu sổ hộ khẩu cũ khi cấp sổ hộ khẩu mới. Trường hợp chuyển một người hoặc một số người trong hộ thì ghi rõ vào trang điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu những nội dung cơ bản sau: Thông tin người chuyển đi, thời gian cấp giấy chuyển hộ khẩu, địa chỉ nơi chuyển đến.
Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu:
Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;
Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Nhập sổ hộ khẩu
Nhập sổ hộ khẩu hay đăng ký thường trú được hiểu là việc chuyển vào sinh sống tại một địa chỉ và đăng ký ghi tên vào sổ hộ khẩu tại địa chỉ đó. Đây cũng là một phần công việc phải thực hiện khi làm thủ tục chuyển sổ hộ khẩu.
Điều kiện nhập sổ hộ khẩu: đáp ứng điều kiện đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013;
Hồ sơ nhập sổ hộ khẩu (đăng ký thường trú):
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
- Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định;
- Một số giấy tờ khác tùy trường hợp cụ thể: giấy khai sinh…
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú:
a) Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thẩm quyền đăng ký thường trú:
1. Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Căn cứ pháp lý:
- Căn cứ Thông tư 35/2014/TT-BCA;
- Luật Cư trú 2006;
- Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013.