Nhu cầu cho con nuôi với người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chưa biết rõ về điều kiện, thủ tục cho con nuôi như thế nào theo đúng quy định của pháp luật?
So với điều kiện, thủ tục nhận con nuôi trong nước thì điều kiện, thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài phức tạp hơn nhiều. Cụ thể:
1. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
Căn cứ vào quy định tại Điều 23 Luật Nuôi con nuôi 2010, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định Điều kiện đối với người nhận con nuôi trong nước.
Ngoài các điều kiện nêu trên, còn phải thuộc một trong các trường hợp nhận con nuôi theo quy định tại Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010:
Trường hợp 1, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Trường hợp 2, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:
- Là cha dượng, mẹ kế, là cô, cậu, dì, chú, bác ruột, có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;
- Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;
2. Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ nhận con nuôi
2.1 Hồ sơ của người nhận con nuôi
- Đơn xin nhận con nuôi (do người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài lập)
- Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010
Các giấy tờ, tài liệu sau do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận và phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại:
- Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
- Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
- Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;
- Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
2.2 Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài
Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình:
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
- Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;
3. Trình tự, thủ tục
Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010 này thì có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp để kiểm tra và xử lý hồ sơ theo quy định Điều 34 Luật Nuôi con nuôi 2010 trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài được lập thành 03 bộ và nộp cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của những người quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010 trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Lưu ý: Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.