Điều kiện, trình tự, thủ tục kinh doanh dịch vụ lữ hành

Chủ đề   RSS   
  • #601944 20/04/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Điều kiện, trình tự, thủ tục kinh doanh dịch vụ lữ hành

    Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ra đời, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về điều kiện kinh doanh loại hình này.

    1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì?

    Theo định nghĩa tại khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017 thì kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

    Kinh doanh dịch vụ lữ hành được chia làm hai hình thức:

    - Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa;

    - Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

    Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

    2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

    Để được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh sau theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch 2017:

    - Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định;

    - Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng (mức ký quỹ là 20.000.000 đồng);

    - Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

    Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch.

    Nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh trên thì sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Mức phí thẩm định cấp mới Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 3.000.000 đồng/giấy phép (khoản 1 Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BTC).

    3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

    Trong trường hợp doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch 2017:

    - Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định;

    - Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng, cụ thể mức ký quỹ như sau:

    + Nếu kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 đồng;

    + Nếu kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000.

    - Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Chuyên ngành về lữ hành quy định tương tự như nội dung được nêu tại Mục 2.

    Nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh trên thì sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Mức phí thẩm định cấp mới Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là 3.000.000 đồng/giấy phép (khoản 1 Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BTC).

    4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

    4.1. Đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

    - Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

    + Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL);

    + Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực);

    + Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

    + Quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành (bản sao chứng thực);

    + Văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định (bản sao chứng thực).

    - Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:

    + Số lượng hồ sơ: 01 bộ;

    + Cơ quan giải quyết: Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch;

    + Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan giải quyết tiến hành thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    4.2. Đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

    - Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tương tự như Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa đã nêu ở mục 4.1. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể thay thế Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực) bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (bản sao chứng thực), việc này doanh nghiệp tự quyết định.

    - Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

    + Số lượng hồ sơ: 01 bộ

    + Cơ quan giải quyết: Tổng cục Du lịch;

    + Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Tuỳ vào loại hình kinh doanh dịch vụ lữ hành mà doanh nghiệp chuẩn bị thành phần hồ sơ theo quy định nêu trên gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc quốc tế. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc phải có khi kinh doanh loại hình dịch vụ này.

    5. Một số quy định khác cần lưu ý trong kinh doanh dịch vụ lữ hành

    - Phương thức ký quỹ; việc nộp tiền ký quỹ và cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ; Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ được quy định tại khoản 3 Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

    - Quy định về nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch và việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch được quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL.

    Trên đây là các quy định có liên quan về điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc quốc tế. Tuỳ thuộc vào nhu cầu kinh doanh mà doanh nghiệp lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với mình.

     
    319 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenduy303 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (21/04/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận