Đây là nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện 2022 được Quốc hội ban hành ngày 09/11/2022.
Tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật là tần số của sóng vô tuyến điện.
Sóng vô tuyến điện là sóng điện từ có tần số thấp hơn 3000 gigahéc (GHz) truyền lan tự do trong không gian, không có dẫn sóng nhân tạo. (Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật tần số vô tuyến điện 2019).
Theo đó, Luật sửa đổi của Luật tần số vô tuyến điện 2022 bổ sung điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với Luật tần số vô tuyến điện 2019, cụ thể:
Điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:
- Có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 19 như sau:
+ Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện vào mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm;
+ Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện;
+ Có thiết bị vô tuyến điện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ;
+ Cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và an toàn bức xạ vô tuyến điện;
- Có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số tương ứng với băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển theo quy định của pháp luật về viễn thông;
- Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật;
- Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18a, cụ thể:
Cam kết triển khai mạng viễn thông bao gồm các nội dung sau đây:
-Tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới hoặc số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai;
- Vùng phủ sóng tính theo dân số hoặc theo khu vực địa lý;
- Thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tính từ thời điểm cấp phép;
- Chất lượng dịch vụ viễn thông;
- Chuyển vùng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, còn căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 18a, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định số lượng nội dung cam kết, yêu cầu cụ thể của từng nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông đối với từng băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển hoặc cấp lại.
Tổ chức vi phạm nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 18a bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần đã được cấp mà không được hoàn trả phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với phần tần số vô tuyến điện bị đình chỉ trong thời gian bị đình chỉ.
Chính phủ quy định chi tiết Điều 18a Luật sửa đổi của Luật tần số vô tuyến điện 2022.
Trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch
Ngoài ra, tại Luật sửa đổi của Luật tần số vô tuyến điện 2022 quy định một số trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch, như sau:
- Trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.
- Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp phép từng trường hợp cụ thể được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo điều kiện sử dụng.
Xem chi tiết tại Luật sửa đổi của Luật tần số vô tuyến điện 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 trừ Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.