Ngày 09/02/2023, UBND TP.HCM vừa có Quyết định 07/2023/QĐ-UBND về ban hành quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, điều kiện sử dụng cần trục tháp trong công trình xây dựng tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM được quy định như sau:
(1) Loại cần trục sử dụng
Việc lựa chọn loại cần trục tháp phải căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của các loại cần trục tháp hiện có, yêu cầu vận hành, đặc điểm của công trường để quyết định loại cần trục tháp phù hợp để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho công tác thi công và phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đối trọng của cần trục không được treo bên trên các công trình hiện hữu, đường giao thông.
- Khi cần trục tháp ở trạng thái nghỉ (không hoạt động), vùng nguy hiểm vật rơi không được vượt ra khỏi phạm vi công trường.
- Có thiết bị đo vận tốc gió được lắp đặt tại vị trí cao nhất của cần trục tháp và phải có bảng hiển thị tốc độ gió đặt trong ca bin của người vận hành.
(2) Điều kiện sử dụng cần trục tháp
- Có Giấy xác nhận khai báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Có Giấy chứng nhận hợp quy, Giấy chứng nhận kết quả kiểm định theo quy định.
- Có hồ sơ thiết kế lắp dựng cần trục tháp đảm bảo về an toàn, sự phù hợp, được nhà sản xuất hoặc đơn vị chủ quản cần trục chấp thuận, có phương án đảm bảo an toàn trong điều kiện mưa bão, được phê duyệt cùng lúc với việc phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng.
- Trường hợp khi cần trục hoạt động, trong phạm vi vùng nguy hiểm vật rơi vượt khỏi mặt bằng công trường có công trình hiện hữu, đường giao thông thì nhà thầu thi công xây dựng phải lập và trình chủ đầu tư phê duyệt phương án đảm bảo an toàn.
Phương án đảm bảo an toàn bao gồm việc di dời người trong các công trình hiện hữu, ngăn đường giao thông tạm thời trong thời gian hoạt động của cần trục, báo cáo bằng văn bản đến UBND Thành phố Thủ Đức, UBND các quận, huyện nơi xây dựng công trình để biết, kiểm tra, phối hợp thực hiện phương án đảm bảo an toàn.
Về mặt bằng công trường xây dựng để sử dụng cần trục
* Thiết kế và phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng
Nhà thầu thi công phải lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó:
- Có thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng thể hiện vị trí lắp đặt cần trục tháp.
- Giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, nâng hạ, vận hành cần trục (trong trường hợp tại công trình xây dựng có nhiều nhà thầu chính, chủ đầu tư phải chỉ định một nhà thầu lập tổng mặt bằng chung).
* Niêm yết sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng
Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 109 Luật Xây dựng 2014. Tại cổng chính ra vào phải có sơ đồ tổng mặt bằng công trường, kích thước tối thiểu bằng khổ A0 với vật liệu khó bị hư hỏng, bạc màu khi thấm nước, mưa, nắng. Trong sơ đồ tổng mặt bằng phải đảm bảo có các nội dung sau:
- Hình chiếu bằng phạm vi di chuyển của tay cần và đối trọng của cần trục tháp.
- Hình chiếu bằng vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động tương ứng với độ cao của cần trục trong các giai đoạn thi công.
- Thời gian hoạt động của cần trục tháp tương ứng khi vùng nguy hiểm vật rơi vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.
- Vị trí cần trục tháp ở trạng thái nghỉ (không hoạt động), phải thể hiện cả tay cần và đối trọng.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của chủ đầu tư, tổ chức thiết kế xây dựng, tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng, người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành thiết bị, người có trách nhiệm thuộc đơn vị thi công và đơn vị chủ quản cần trục.