Điều kiện ký kết hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn

Chủ đề   RSS   
  • #609426 15/03/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (295)
    Số điểm: 2154
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Điều kiện ký kết hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn

    Điều kiện ký kết hợp đồng, việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng của nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu 2023.

    1. Điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu

    Tại Điều 66 Luật Đấu thầu 2023 quy định điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu như sau:

    - Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực. Đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tại thời điểm ký kết, thỏa thuận khung còn hiệu lực.

    - Tại thời điểm ký kết, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

    - Chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán, mặt bằng thực hiện và điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.

    Đồng thời, tại Điều 69 Luật Đấu thầu 2023 cũng quy định nguyên tắc khi thực hiện hợp đồng như sau:

    - Các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

    - Bảo đảm trung thực, hợp tác và đúng pháp luật.

    - Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

    2. Quy định về ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn

    Việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Đấu thầu 2023 như sau:

    - Một gói thầu được thực hiện theo một hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại Điều 64 của Luật Đấu thầu 2023; đối với gói thầu mua sắm tập trung hoặc gói thầu chia thành nhiều phần, một gói thầu có thể thực hiện theo nhiều hợp đồng tương ứng với một hoặc một số phần. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể;

    - Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có) và giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ (không bao gồm khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt);

    - Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng; đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tất cả thành viên tham gia liên danh trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng hoặc thành viên liên danh ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng với đơn vị có nhu cầu mua sắm theo phân công tại thỏa thuận liên danh.

    Có thể tham khảo thêm nội dung hướng dẫn về ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn tại Chương VIII Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

    3. Bảo đảm thực hiện hợp đồng của nhà thầu

    - Nhà thầu phải thực hiện một trong các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng, các biện pháp đó có thể là:

    + Đặt cọc;

    + Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

    + Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

    - Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp sau:

    + Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;

    + Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện hoặc hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng;

    + Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu 2023.

    - Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2-10% giá hợp đồng.

    - Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

    - Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau theo quy định tại khoản 6 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023:

    + Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;

    + Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

    + Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

     
    65 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận