Điều kiện khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân và thời hiệu khởi kiện

Chủ đề   RSS   
  • #604846 18/08/2023

    Điều kiện khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân và thời hiệu khởi kiện

    Khi xem xét điều kiện khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân, cần xác định đúng, đầy đủ quan hệ tranh chấp lao động, từ đó xem xét tranh chấp thuộc trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện hay thuộc trường hợp được khởi kiện tại Tòa án không qua thủ tục hòa giải.

     

    Các tranh chấp thuộc trường hợp được khởi kiện tại Tòa án không qua thủ tục hòa giải

     

    Điều 188 Bộ luật lao động 2019 có quy định trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động, theo đó:

     

    Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

     

    a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

     

    b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

     

    c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

     

    d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

     

    đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

     

    e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

     

    Như vậy, tranh chấp thuộc trường hợp được khởi kiện tại Tòa án không qua thủ tục hòa giải là các tranh chấp tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019

     

    Các tranh chấp thuộc trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải được Toà án thụ lý giải quyết khi nào?

     

    Các tranh chấp thuộc trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện là các tranh chấp không thuộc các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019, đối với tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 188 Bộ luật lao động 2019 thì Tòa án chỉ được thụ lý, giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:

     

    (i) Hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân gửi đến mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải. Trường hợp này, Kiểm sát viên, công chức nghiên cứu tài liệu, chứng cứ xác định thời gian hòa giải viên lao động đã nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp nhưng không giải quyết đúng thời hạn.

     

    (ii) Các bên tranh chấp đã hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành. Trường hợp này, Kiểm sát viên, công chức cần lưu ý về thành phần tham gia hòa giải; nội dung hòa giải thành; biên bản có được thông qua cho các bên tham gia nghe và cùng ký vào biên bản hay không; nội dung thỏa thuận đúng quy định của pháp luật hay trái quy định của pháp luật; tài liệu, chứng cứ thể hiện một trong các bên tranh chấp không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải.

     

    (iii) Các bên tranh chấp đã hòa giải nhưng hòa giải không thành.

     

    Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án khi người sử dụng lao động và người lao động chưa thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động là vi phạm về điều kiện khởi kiện. Vì vậy, Kiểm sát viên phải đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trường hợp Tòa án không chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát mà vẫn đưa vụ án ra xét xử thì Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền ban hành kháng nghị phúc thẩm; giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án.

     

    - Lưu ý, theo quy định tại Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019 thì Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp lao động cá nhân. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp thì các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ một số trường hợp sau đây:

     

    + Hết thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019 mà Ban trọng tài lao động không được thành lập.

     

    + Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp.

     

    + Đã có quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động nhưng một trong các bên không thi hành quyết định.

     

    (Theo Hướng dẫn 33/HD-VKSTC năm 2022)

     

    Thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân

     

    Theo Điều 190 Bộ luật lao động 2019 thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định như sau:

     

    1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

     

    2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

     

    3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

     

    4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

     

    Như vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

     

    Nếu chủ thể có quyền khởi kiện chứng minh được việc khởi kiện bị quá thời hiệu do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật làm cho người khởi kiện không thực hiện được việc khởi kiện trong thời hạn luật định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu khởi kiện.

     
     
    1939 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận