Căn cứ theo quy định, bếp ăn của công ty bạn hiện tại phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bếp ăn với quy mô phục vụ một lúc từ 30 người trở lên, người chủ cơ sở phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ theo quy định về an toàn thực phẩm. Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định:
“1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a. Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b. Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
Ngoài ra, bạn sẽ phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh. Ngành nghề này gồm hoạt động của các căng tin và hàng ăn tự phục vụ (ví dụ căng tin cơ quan, nhà máy, bệnh viện, trường học) trên cơ sở nhượng quyền. Nếu cơ sở của bạn sau khi đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm mà có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình theo quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm."
Về việc khám sức khỏe cho nhân viên bếp ăn.
Đối với khám sức khỏe, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 năm một lần, đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người lao động là người khuyết tật; người lao động chưa thành niên; người lao động cao tuổi thì phải khám sức khỏe. Mặt khác, theo quy định của Quyết định 190/BLĐTBXH thì lao động làm công việc Nấu ăn trong các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể có từ 100 suất ăn trở lên thì được xác định là công việc nặng nhọc. Công ty bạn đối chiếu theo quy định nêu trên để xác định xem khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bếp ăn 06 tháng hay 1 năm một lần.