Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Cam kết WTO của Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Người nước ngoài được thành lập công ty tại Việt Nam trong hầu hết các ngành dịch vụ và kinh doanh thương mại.
Người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh minh họa
Điều kiện người nước ngoài được thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam
1. Người nước ngoài có được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam?
Căn cứ Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 thì Người nước ngoài được quyền thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam ngoại trừ các trường hợp sau:
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo Cam kết số 318/WTO/CK về dịch vụ, hiện diện thương mại tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ cam kết tương ứng với phạm vi hoạt động của mình, bao gồm cả các điều kiện giới hạn.
Người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam được xem là nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế. Quá trình thành lập doanh nghiệp của họ không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp mà còn thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đầu tư.
2. Các thủ tục về đầu tư cần thực hiện.
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, người nước ngoài được thành lập công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi thành lập công ty tại Việt Nam, người nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Theo Khoản 3 Điều 22 Luật đầu tư Về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ: nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ trong công ty Việt Nam mà không bị hạn chế, trừ các trường hợp sau:
- Tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài trong công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo các hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
- Tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài không thuộc các trường hợp trên thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(2) Để thành lập công ty tại Việt Nam, người nước ngoài trước hết cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Cần xem xét dự án dự định đầu tư có thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 30, 31, 32 của Luật Đầu tư năm 2014.
Tiếp theo, tùy trường hợp mà người này thực hiện thủ tục tương ứng dưới đây:
- Nếu thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư thì người này thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tương ứng tại Điều 33, 34, 35 của Luật Đầu tư năm 2014.
Khi hoàn thành thủ tục, người này sẽ được cấp văn bản quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 30, 31 của Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
- Nếu không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư thì người này thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 37, 38 của Luật Đầu tư năm 2014; được hướng dẫn bởi Điều 28, 29 của Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
Chi tiết Tham khảo tại đây
Cuối cùng, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người nước ngoài thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Người nước ngoài được quyền lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mình để đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Lưu ý: Pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế hay không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam nhưng không có quy định quy trình cụ thể và thực tế, hầu như không có trường hợp người nước ngoài đăng ký doanh nghiệp theo loại hình này.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp do người nước ngoài thành lập hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đảm bảo các điều kiện đó; cũng như có thể phải thực hiện thêm các thủ tục cần thiết tương ứng.
Cập nhật bởi NguyenThanhNgan123 ngày 21/09/2020 11:37:00 SA