Điều kiện để doanh nghiệp được phép xuất khẩu tỏi đen là gì? Có cần phải thực hiện kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu không? Nhãn hàng hóa xuất khẩu cần đáp ứng điều kiện gi?
Điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu tỏi đen
Theo Phụ lục II của Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương ngày 15/05/ quy định mặt hàng tỏi đen không thuộc danh mục cấm hay hạn chế xuất khẩu.
Căn cứ Điều 31 Luật bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013 quy định về kiểm dịch thực vật xuất khẩu như sau:
- Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
- Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013. Trường hợp đã kiểm dịch tại cơ sở sản xuất hoặc nơi xuất phát hoặc nơi bảo quản ở sâu trong nội địa thì chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi đến cửa khẩu cuối cùng để xuất khẩu.
Theo Mục 9 Thông tư 01/2024/TT-BNNPTNT về Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì mặt hàng tỏi đen thuộc danh mục phải được kiểm dịch thực vật.
=> Do đó, để xuất khẩu doanh nghiệp cần thực hiện kiểm dịch mặt hàng tỏi đen và được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013. Hồ sơ, thủ tục được hướng dẫn thêm tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT (đươc sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 2 Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT).
Trong đó, hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu bao gồm:
- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT.
- Bản điện tử hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).
Sau đó, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký cho cơ quan kiểm dịch thực vật nơi gần nhất.
Quy định về nhãn hàng hóa xuất khẩu
Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa như sau:
Nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về ghi nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Như vậy, việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP).
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP):
- Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
- Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cụ thể:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cụ thể:
Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!