Điều kiện nhận áp dụng ưu đãi thuế TNDN
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là việc Nhà nước tạo ra một số điều kiện nhất định cho các đối tượng nộp thuế (doanh nghiệp) thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế, thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Điều kiện để doanh nghiệp áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
1. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp không tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thì phần thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế xác định bằng (=) tổng thu nhập tính thuế nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế so với tổng doanh thu hoặc tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Trường hợp có khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ không thể hạch toán riêng được thì khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ đó xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hưởng ưu đãi thuế trên tổng doanh thu hoặc chi phí được trừ của doanh nghiệp.
...
Quy trình sản xuất phầm mềm để được ưu đãi thuế thua nhập doanh nghiệp
Thông tư 13/2020/TT-BTTTT về quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Thông tư này quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 13/2020/TT-BTTTT thì các công đoạn trong quy trình sản xuất phầm mềm như sau:
1. Xác định yêu cầu
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng về phát triển sản phẩm phần mềm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; đề xuất, khảo sát, làm rõ yêu cầu đối với sản phẩm phần mềm; phân tích nghiệp vụ; xây dựng yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm phần mềm; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.
So với quy định trước đây:
Bao gồm một trong những tác nghiệp như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu. (tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BTTTT)
2. Phân tích và thiết kế
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu (yêu cầu thuộc chức năng và không thuộc chức năng, các vấn đề cần được giải quyết); thiết lập bài toán phát triển; các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc của phần mềm, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.
So với quy định trước đây:
Bao gồm một trong những tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm. (tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BTTTT)
3. Lập trình, viết mã lệnh
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.(Không có sự thay đổi so với quy định trước đây.)
4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.
So với quy định trước đây:
Bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm. (tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BTTTT)
5. Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả sản phẩm phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); đóng gói sản phẩm phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
So với quy định trước đây:
Bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. (tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BTTTT)
6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển khai cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).
So với quy định trước đây:
Bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài đặt phần mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng; kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau bàn giao, bảo hành phần mềm; bảo trì phần mềm. (tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BTTTT)
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm
Bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất.
So với quy định trước đây:
Bao gồm một trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm phần mềm; phát hành sản phẩm phần mềm. (tại Khoản 7 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BTTTT)
Các hoạt động sản xuất phần mềm đã được xác định đáp ứng quy trình theo quy định trước thời điểm ngày 19/8/2020 vẫn tiếp tục được coi là đáp ứng quy trình sản xuất phần mềm cho đến khi hết thời hạn của dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Cập nhật bởi NgocHoLaw ngày 21/12/2020 03:32:20 CH