Có vẻ như chủ đề “Bố nuôi con” hay “Gà trống nuôi con” là chủ đề được giới trẻ quan tâm hiện nay, khi mà cứ cách vài ngày mình lại thấy có người vào Dân Luật hỏi, thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều người chưa rõ tường tận nội dung này. Do vậy, mình viết bài này để giải đáp cho các bạn về những điều kiện bố được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn.
Về bản chất, khi mối quan hệ hôn nhân bị đổ vỡ, đường ai nấy đi, thì mẹ nuôi con vẫn tốt hơn so với bố nuôi con, điều này hoàn toàn phù hợp với yếu tố tự nhiên và sinh học.
Song, đó chỉ là phổ biến đa số, trên thực tế, vẫn có những trường hợp mẹ nuôi con không bằng bố nuôi con, do vậy mà Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định 2 điều kiện để bố được quyền nuôi con (khác với những trường hợp phổ biến), khi 1 trong 2 điều kiện thỏa mãn thì bố được quyền nuôi con.
Điều kiện 1: Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Tại điều kiện này, cần phải hiểu rằng, người mẹ không đủ điều kiện về tài chính hoặc không đủ điều kiện về tư cách hoặc không đủ điều kiện cả về tài chính và tư cách để có thể nuôi con.
Nếu người mẹ không đủ khả năng về tài chính để tự lo cho bản thân thì khó có thể trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con một cách tốt nhất được.
Còn người mẹ không đủ điều kiện về tư cách, nghĩa là không phải là một người tốt, là người phạm tội hay không thể làm gương tốt cho con trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con.
Để chứng minh điều kiện này, bố (người chồng) cần phải chuẩn bị các tài liệu liên quan, bao gồm:
- Nơi làm việc của người mẹ (vợ)
- Thu nhập hàng tháng của người mẹ (vợ)
- Các hình ảnh, video chứng minh người mẹ (vợ) không đủ điều kiện về tư cách.
Điều kiện 2: Bố mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đây được xem là điều kiện khó có thể xác định cụ thể, nó tương tự như quy định các trường hợp khác vậy.
Bố mẹ có thỏa thuận khác, nhưng thế nào được đánh giá là phù hợp với lợi ích của con?
Phù hợp với lợi ích của con được đánh giá đứng trên góc độ của con, hay của quan tòa, bố, mẹ?
Bởi thực tế có nhiều trường hợp, đối với quan tòa, bố, mẹ sự quyết định đó là tốt, nhưng với chính bản thân người con và cảm nhận của chúng thì không phù hợp với lợi ích của chúng. Đây là điểm thiếu minh bạch của quy định pháp luật cần được làm rõ trong thời gian tới.
P/S: Trường hợp bố mẹ giành quyền nuôi con là thường thấy, nhưng nếu bố mẹ thỏa thuận không ai chịu nuôi thì con sẽ do ai nuôi? Đây là câu hỏi thêm trong bài viết này, mong các bạn giải đáp.