Về vấn đề bạn nêu, thì nội dung này không có quy định trực tiếp trong văn bản pháp quy. Tuy nhiên, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì có quy định phạt như sau tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP:
"Điều 9. Vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm...
Điều 15. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố...
c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay."
Như vậy, nếu thuộc vào những trường hợp trên mà không đảm bảo điều kiện về yêu cầu vệ sinh như quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Thực phẩm ở đây theo định nghĩa tại Khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 là "sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm."
Đồng thời, bạn lưu ý mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, còn nếu là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm đó thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Còn tính đến thời điểm hiện tại thì hầu hết toàn dân đi đến nơi công cộng đều phải đeo khẩu trang, quy định tại Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, phạt từ 100 đến 300.000 đồng