Sinh viên luật hiện nay đã có nhiều cơ hội hội nhập và phát triển. Các bạn trẻ năng động, được tiếp cận gần hơn với khoa học và công nghệ. Thế nhưng, bên cạnh những mặt rất tích cực. Sinh viên luật chúng ta cũng còn nhiều điểm yếu. Những điểm yếu này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, cũng như khách quan mang lại. Cùng nhìn nhận những điểm yếu cơ bạn để chúng ta tự đánh giá, rút kinh nghiệm cũng như là bài học cho chính mình.
1. Sự tự học chưa cao. Tư duy: Điểm, chứng chỉ và bằng
“Tôi làm thầy nên tôi hay tiếp xúc với sinh viên. Sinh viên hiện nay đôi khi họ học luật chỉ vì tấm bằng (cũng như toàn xã hội), thành ra học phải "sưu tầm" cho đủ điểm, mong muốn của họ không phải là học cái gì mà mong học cho đỗ. Ngoài ra, sự tự học của nhiều bạn cũng chưa cao. Tôi thì không ưa những học trò chỉ muốn điểm cao, chỉ lo sưu tầm đủ chứng chỉ để có được tấm bằng đại học. Cái quan trọng là anh thu lượm được cái gì trong quá trình học.
Tuy nhiên tôi cũng thấy rằng nếu có những động lực thì các em cũng có thể học nhóm rất tốt. Tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên năm thứ hai, thứ ba nhưng năng lực hùng biện rất tốt, khả năng thuyết phục đôi khi tốt hơn nhiều ông thầy’ – P.GS TS. Phạm Duy Nghĩa
2. Học nhiều nhưng thực hành ít.
Học luật cũng giống như học để thành một ông bác sĩ. Nếu bác sĩ chữa bệnh cho người thì luật học giúp xác định tội và nói về số phận con người cũng như tham gia vào việc giải quyết các xung đột xã hội.
Thế nhưng, sinh viên luật hiện nay vẫn phần nhiều học lý thuyết chứ ít khi được thực hành. Có lẽ là không nhiều số sinh viên được va vấp và trực tiếp giải quyết các vụ việc trong đời sống thực tiễn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí điều này còn hạn chế với ngay cả với những sinh viên mới ra trường.
Nguyên nhân chủ quan là do ở Việt Nam sinh viên luật là thế hệ vừa học xong lớp 12 tuổi đời còn quá trẻ, thụ động nhiều trong xã hội (Ở nhiều nước học luật bắt buộc phải có bằng đại học khác).
Nhưng khách quan mà nói, bản thân các cơ sở đào tạo hiện nay chưa tạo ra được nhiều cơ hội cho sinh viên ngành luật thực hành. Nếu như không nói là gần như không có. Trong khi sinh viên một số ngành khác được tham gia trực tiếp vào máy móc, thiết bị như khối học kỹ thuật, hóa học.
3. Tư duy phản biện xã hội
Học luật mà không có tư duy phản biện các vấn đề phát sinh hàng ngày trong đời sống xã hội thì coi như bạn chưa học luật.
Trên lớp có thể nhiều sinh viên không đặt vấn đề nhưng trong quán café, trên forum, blog... thì chúng ta có thể nhìn thấy không ít những ý kiến khác nhau. Xã hội nào nó cũng có những nhu cầu nhìn nhận một vấn đề đa chiều. Tự thân xã hội nó là đa chiều, chỉ có điều trong phòng học điều đó chưa diễn ra. Nó diễn ra ở chỗ khác thì đôi khi không kiểm soát được.
Nhiều sinh viên luật chưa được rèn luyện tư duy phản biện. Chủ yếu là những sinh viên năng động tham gia nghiên cứu, tham gia vào các trung tâm hay câu lạc bộ thì kỹ năng và tư duy phản biện tốt hơn. Nhưng quan trọng là tư duy phản biện phải được định hướng đúng đắn và hợp lý.
4. Yếu ngoại ngữ
Học ngoại ngữ không phải con đường duy nhất để trở thành một người hành nghề luật giỏi, thành công. Nhưng học tốt ngoại ngữ chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội thành công cho sinh viên luật.
Thế nhưng, do đầu vào của ngành luật chủ yếu là khối C, A (bên cạnh đó là khối D) nên sinh viên luật cũng phần đông không giỏi ngoại ngữ.
Việc học chưa tốt ngoại ngữ khiến sinh viên luật mệt nhoài trong các kỳ thi có liên quan đến ngoại ngữ, khó khăn trong việc xin học bổng. Cũng như khó khăn trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài.
5. Quan hệ xã hội
Tuổi đời nhỏ, chưa có kinh nghiệm cũng vốn kiến thức xã hội nên phần đồng sinh viên luật ít có những mối quan hệ.
Quan hệ xã hội không phải để sử dụng trong việc “chạy án” hay “lo lót”. Mà nó là yếu tố quan trọng khi hành nghề. Nhất là đối với nghề luật sư.
Nguồn: Tôi Yêu Luật