Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).
1. Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động
Theo đó, dự thảo sửa đổi Luật Lao động quy định chỉ 02 loại HĐLĐ:
+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Cụ thể:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng không quá 36 tháng.
Loại hình hợp đồng lao động theo mùa vụ đã không còn được sử dụng trong dự thảo lần này.
2. Thay đổi khái niệm về mức lương tối thiểu
Dự thảo sửa đổi đã đưa ra khái niệm ngắn gọn hơn so với Luật Lao động hiện hành về lương tối thiểu, đó là: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường”.
Trong khi đó, khái niệm về lương tối thiểu trong Luật Lao động hiện hành, ngoài thông tin trên còn được bổ sung thêm nội dung: “...phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Thay vào đó, nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” đã được Dự thảo chuyển thành 1 trong 5 tiêu chí mới xác định, điều chỉnh lương tối thiểu.
Cụ thể, tiền lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh căn cứ vào những yếu tố sau đây:
+ Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;
+ Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường;
+ Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;
+ Quan hệ cung, cầu lao động;
+ Việc làm và thất nghiệp;
+ Năng suất lao động;
+ Khả năng chi trả của doanh nghiệp.
3. Thêm thời gian thử việc cho người quản lý
Điểm mới của dự thảo là việc bổ sung thời gian thử việc của người quản lý , cụ thể: Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp.
4. Chi tiết hơn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động củab doanh nghiệp
Theo đó, Dự thảo quy định chi tiết hơn việc người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động: được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động;
- Những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc được liệt kê bao gồm: dịch bệnh, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, tại Dự thảo lần này cũng Giải thích rõ về quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Theo đó, giải thích rằng: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có bản chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Đồng thời, tại Dự thảo này đưa ra quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Cụ thể hơn là tại nội quy lao động phải có nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi vi phạm phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.