Do dịch bệnh, thay vì về quê ăn Tết, nhiều người lao động lại chọn ở lại cùng doanh nghiệp tăng gia sản xuất. Vậy trường hợp đi làm vào ngày lễ có được nghỉ bù không?
Người lao động có bắt buộc phải đi làm ngày lễ?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật lao động 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các ngày lễ sau:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy, trong các dịp lễ, Tết nêu trên, người lao động sẽ không phải đi làm mà vẫn được hưởng lương của ngày làm việc đó.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trừ các trường hợp Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
- Thời gian làm thêm;
- Địa điểm làm thêm;
- Công việc làm thêm.
Theo đó, việc đi làm vào những ngày lễ của người lao động là không bắt buộc, trừ các trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm.
Đi làm ngày lễ có được nghỉ bù vào ngày khác?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định về việc nghỉ bù dành cho người lao động đi làm vào ngày lễ. Theo đó, người lao động đi làm vào ngày lễ chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không được nghỉ bù vào ngày khác.
Khoản 3 Điều 111 Bộ luật lao động 2019 chỉ quy định về việc nghỉ bù như sau:
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó, người lao động chỉ được nghỉ bù vào ngày làm việc của tuần kế tiếp khi ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày lễ.