Hiện nay, dân quân tự vệ bao gồm những lực lượng nào? Dân quân tự vệ có được miễn NVQS không? Thời gian đi dân quân tự vệ là bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Dân quân tự vệ bao gồm những lực lượng nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Dân quân tự vệ 2019 có quy định về những thành phần của dân quân tự vệ như sau:
- Dân quân tự vệ tại chỗ.
- Dân quân tự vệ cơ động.
- Dân quân thường trực.
- Dân quân tự vệ biển.
- Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.
Theo đó, hiện nay, Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh, trong đó bao gồm 05 lực lượng như đã kể trên.
(2) Đi dân quân tự vệ có được miễn nghĩa vụ quân sự không?
Hiện tại, dân quân tự vệ không thuộc một trong các trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được sửa đổi bởi Luật Dân quân tự vệ 2019.
Đồng thời, tại Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cũng có nêu rõ, đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
- Người khuyết tật.
- Người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được sửa đổi bởi Luật Dân quân tự vệ 2019 có quy định công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự đối với dân quân tự vệ trong thời bình như sau:
“Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức”.
Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy, chỉ có trường hợp công dân tham gia “Dân quân thường trực” và có ít nhất là 24 tháng phục vụ thì mới được công nhận là hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình (tức không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa).
Còn các lực lượng dân quân tự vệ còn lại nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn gọi nhập ngũ về độ tuổi, tiêu chuẩn văn hóa, chính trị, sức khỏe,.. theo quy định tại Thông tư 148/2018/TT-BQP và Thông tư 105/2023/TT-BQP thì vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như những công dân khác.
(3) Dân quân tự vệ đi mấy năm?
Căn cứ Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019 có quy định về độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình như sau:
- Đối với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và đến hết 45 tuổi đối với nữ.
- Trường hợp tham gia dân quân tự vệ tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ biển, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm.
- Trường hợp dân quân thường trực là 02 năm.
Tuy nhiên, thời hạn nêu trên cũng có thể được kéo dài nhưng không quá 02 năm. Riêng đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi đã nêu trên.
Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Có thể thấy, hiện nay, thời gian đi dân quân tự vệ sẽ là 4 năm, nhưng cũng có thể kéo dài thêm tối đa 2 năm nữa tùy theo yêu cầu và tình hình của mỗi địa phương. Ngoài ra, đối với một số chức danh đặc biệt thì độ tuổi cũng như thời hạn có thể được kéo dài hơn nhưng không quá giới hạn tối đa.