Đến thời điểm đóng thầu mà không có nhà thầu nào tham dự, chủ đầu tư phải xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #611232 06/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (269)
    Số điểm: 3265
    Cảm ơn: 14
    Được cảm ơn 59 lần


    Đến thời điểm đóng thầu mà không có nhà thầu nào tham dự, chủ đầu tư phải xử lý như thế nào?

    Đấu thầu là hình thức chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng theo gói thầu đã mở. Vậy trường hợp đến thời điểm đóng thầu mà không có nhà đầu nào tham dự đấu thầu thì chủ đầu tư phải xử lý như thế nào?

    (1) Đến thời điểm đóng thầu mà không có nhà thầu nào tham dự, chủ đầu tư phải xử lý như thế nào?

    Theo khoản 4 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có đề cập đến trường hợp tại thời điểm đóng thầu không có nhà thầu tham dự thầu thì chủ đầu tư quyết định xử lý theo một trong các cách sau đây:

    - Hủy thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu để mời thầu lại. Trong trường hợp này, trước khi mời thầu lại, cần rà soát, sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu (nếu cần thiết) để bảo đảm trong hồ sơ không có điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng;

    - Gia hạn thời điểm đóng thầu tối thiểu là 05 ngày đối với gói thầu đang thực hiện mời quan tâm, mời sơ tuyển, gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gia hạn thời điểm đóng thầu tối thiểu là 10 ngày đối với gói thầu khác.

    Như vậy, chủ đầu tư có hai phương án lựa chọn khi không có nhà thầu tham dự tại thời điểm đóng thầu đó là hủy thông báo mời quan tâm, mời sơ tuyển, thông báo mời thầu để mời thầu lại hoặc gia hạn thời điểm đóng thầu.

    Bên cạnh đó, theo khoản 6 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định đối với trường hợp xử lý tình huống theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP và trường hợp hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2023, không phải điều chỉnh thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

    Do đó, khi mời thầu lại hoặc gia hạn thời điểm đóng thầu do không có nhà thầu tham dự gói thầu thì chủ đầu tư không phải điều chỉnh thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

    (2) Mời thầu lại thực hiện như thế nào?

    Theo Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT quy định về thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia như sau:

    - Bên mời thầu đăng tải thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, E-TBMQT, E-TBMST trên Hệ thống theo tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu và phù hợp với thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

    - Việc sửa đổi, hủy thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, E-TBMQT, E-TBMST chỉ được thực hiện trước thời điểm đóng thầu, trừ trường hợp không có nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, E-HSQT, E-HSDST;

    - Bên mời thầu đăng tải thông báo mời thầu, E-TBMT trên Hệ thống theo tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu và phù hợp với thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

    Việc sửa đổi, hủy thông báo mời thầu, E-TBMT chỉ được thực hiện trước thời điểm đóng thầu, trừ trường hợp không có nhà thầu nào nộp hồ sơ dự thầu, E-HSDT.

    (3) Gia hạn thời điểm đóng thầu thực hiện ra sao?

    Căn cứ khoản 4 Điều 16 Thông tư 10/2022/TT-BKHĐT quy định gia hạn thời điểm đóng thầu như sau:

    Trường hợp gia hạn thời điểm đóng thầu trên hệ thống, bên mời thầu đăng tải thông báo gia hạn kèm theo quyết định về việc gia hạn trên hệ thống, trong đó nêu rõ các thông tin sau:

    - Lý do gia hạn;

    - Thời điểm đóng thầu sau khi gia hạn.

    (4) Một số cách để hạn chế việc phải đấu thầu lại cho chủ đầu tư

    Chủ đầu tư cần lưu ý một số điểm sau đây để hạn chế việc phải tổ chức đấu thầu lại, gây ra sự tốn kém, lãng phí đồng thời kéo dài thời gian của dự án và ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án:

    - Chuẩn bị các hồ sơ mời thầu cẩn trọng, chặt chẽ, đúng mẫu đã ban hành, đúng yêu cầu và phạm vi công việc của gói thầu. Câu từ rõ ràng, tránh tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau trước 1 sự việc yêu cầu. Nên xây dựng hồ sơ mời thầu theo hướng khách quan, công bằng với tất cả các nhà thầu.

    - Thực hiện thẩm định hồ sơ mời thầu nghiêm túc, không làm qua loa đại khái cho lấy lệ.

    - Phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi, nên ưu tiên thời gian phát hành dài hơn quy định để các nhà thầu có đủ thời gian kịp thời chuẩn bị, ngoài việc bắt buộc đăng trên Hệ thống đấu thầu quốc gia (đối với các gói thầu vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước), thì nên đăng rộng rãi trên các phương tiện khác để có thể tiếp cận với nhiều nhà thầu.

    - Nhà thầu thực hiện đọc kỹ các nội dung yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, nội dung nào chưa rõ ràng hoặc có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau nên lập tức đề nghị Bên mời thầu/chủ đầu tư làm rõ hoặc thực hiện hội nghị tiền đấu thầu.

    Trên đây là cách xử lý cho chủ đầu tư khi đến thời điểm đóng thầu mà không có nhà thầu nào tham dự. 

     
    67 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận