Giám sát thi công xây dựng là việc làm rất quan trọng và đòi hỏi rất nhiều quy định pháp luật hữu ích khi áp dụng vào thực tế. Do đó, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng vừa qua đã đề xuất tổ chức không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng có thể bị phạt đến 60 triệu đồng. Cụ thể thế nào, hãy cùng tìm hiểu.
1. Đề xuất, bổ sung các đối tượng áp dụng xử phạt khi vi phạm hành chính về xây dựng
Căn cứ Điều 2 Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định đối tượng áp dụng như sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính quy định tại nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với cá nhân vi phạm.
- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân, tổ chức được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nếu ta so sánh với Điều 2 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì đối tượng áp dụng của Dự thảo đã được nêu rõ là chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân, tổ chức được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. Điều này không chỉ giúp cho các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận luật, mà còn hỗ trợ cho công cuộc quản lý và giải quyết của các cơ quan có chức năng thuận lợi và chính xác hơn.
2. Đề xuất tổ chức không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng bị phạt đến 60 triệu đồng
Căn cứ khoản 4 Điều 17 Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, quy định sẽ phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không kiểm tra dẫn đến năng lực thực tế về nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng không đảm bảo so với hồ sơ dự thầu;
+ Không kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu;
+ Không báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng;
+ Không bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng;
+ Để tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực thực hiện thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.
Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP sẽ phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không kiểm tra dẫn đến năng lực thực tế về nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng không đảm bảo so với hồ sơ dự thầu;
+ Không có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu;
+ Không báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng;
+ Không bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng;
+ Để tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực thực hiện thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.
Có thể thấy, Dự thảo mới quy định rất rõ về trường hợp tổ chức không đủ điều kiện năng lực thực hiện thiết kế hoặc không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ sẽ bị phạt, trong khi quy định cũ không đề cập đến trường hợp này.
Chung quy lại, việc bổ sung quy định tổ chức tổ chức không đủ điều kiện năng lực thực hiện thiết kế hoặc không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ có thể bị phạt là một biện pháp “thắt chặt” luật pháp. Không chỉ cho thấy sự quan tâm hợp lý của nhà nước về vấn đề quan trọng, mà còn cho các cơ quan lãnh đạo luôn đề cao tính ứng dụng thực tế để đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực xây dựng.
Bài được viết theo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng: Tải về