Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có những đề xuất đáng chú ý như sau.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/du-thao-thong-tu-xet-nang-ngach.doc Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập (Lần 01)
(1) Sửa đổi tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp kế toán viên
Theo Dự thảo Thông tư, chức danh nghề nghiệp kế toán viên phải đáp ứng được những tiêu chuẩn như sau:
Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
- Nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê, các chuẩn mực kế toán và thông tin kinh tế có liên quan.
- Nắm được các quy định cụ thể về hình thức và phương pháp kế toán; các chế độ kế toán áp dụng trong ngành, lĩnh vực kế toán nhà nước.
- Biết phương pháp nghiên cứu, đề xuất triển khai hoặc bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ, tổng kết cải tiến nghiệp vụ quản lý, nắm được xu thế phát triển nghiệp vụ trong nước và quốc tế.
- Biết tổ chức triển khai các hoạt động về quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ, quy trình luân chuyển chứng từ, phương pháp quản lý và điều hành đối với nhiệm vụ kế toán trong đơn vị.
- Có khả năng tiếp thu, nắm bắt và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để trao đổi và sử dụng các tài liệu kế toán, thông tin kế toán, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử.
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc chứng chỉ hành nghề (chứng chỉ kế toán viên/chứng chỉ kiểm toán viên) theo quy định của pháp luật.
Trường hợp là viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp kế toán thì ngoài đáp ứng được những tiêu chuẩn nêu trên và tiêu chuẩn được quy định tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP thì còn phải đang giữ chức kế toán viên trung cấp và có thời hạn giữ chức danh này hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không tính thời gian thử việc, tập sự).
Bên cạnh đó, thời gian nêu trên còn phải có tối thiểu đủ 01 năm liên tục giữ chức danh kế toán viên trung cấp tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ dự xét.
(2) Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng từ kế toán viên lên kế toán chính
Theo Dự thảo Thông tư, để được xét thăng hạng từ kế toán viên lên kế toán chính thì ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP thì các cá nhân còn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, điều kiện như sau:
- Có vị trí việc làm còn thiếu theo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và cử viên chức xét thăng hạng.
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
- Trong thời gian giữ chức danh kế toán viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 văn bản QPPL hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên (cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm:
+ Cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục.
+ UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố.
+ HĐND cấp huyện, các Ban trực thuộc HĐND các tỉnh, thành phố
Bên cạnh đó, các văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu cũng được tính, cụ thể:
- Có Quyết định tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền đối với trường hợp không bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Có quyết định tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.
(3) Sửa đổi thứ tự ưu tiên xét thăng hạng
Theo Dự thảo Thông tư trường hợp có chỉ tiêu cạnh tranh trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính thì việc xét thăng hạng được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
(i) Người chủ trì nghiên cứu, xây dựng văn bản QPPL hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên hoặc văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu dùng làm cơ sở đáp ứng điều kiện dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
(ii) Người tham gia nghiên cứu, xây dựng văn bản QPPL hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên hoặc văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu nhiều hơn.
(iii) Người gần đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không được xét lần này thì sẽ không còn cơ hội để được xét thăng hạng.
(iv) Người có thành tích ở cấp độ cao hơn theo quy định của Luật thi đua khen thưởng 2022 trong khoảng thời gian 09 năm.
Trường hợp có cùng cấp độ thành tích thì ưu tiên người có nhiều thành tích hơn theo từng cấp độ khen thưởng theo quy định của Luật thi đua khen thưởng 2022 (trong khoảng thời gian 09 năm).
(v) Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, người nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật.
(vi) Người không giữ chức vụ lãnh đạo.
(vii) Người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ.
(viii) Những người có năm công tác nhiều hơn.
(4) Cách xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kế toán
Theo Dự thảo Thông tư, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kế toán sẽ áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) được ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:
- Chức danh nghề nghiệp kế toán viên chính (hạng II, mã số V.06.030): Áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm (A.2.2), từ hệ số lương 4,00 đến 6,38.
- Chức danh nghề nghiệp kế toán viên (hạng III, mã số V.06.031): Áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp (hạng IV, mã số V.06.032): Áp dụng hệ số lương viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,06.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/du-thao-thong-tu-xet-nang-ngach.doc Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập (Lần 01).