Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều nội dung.
Sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014
Cụ thể, các nội dung được đề xuất sửa đổi tại Nghị định 99 bao gồm:
(1) Nhóm quy định về phát triển nhà ở
- Bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 4 của Nghị định 99 theo hướng quy định quy trình, nội dung điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh gửi báo cáo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở (bao gồm cả chương trình, kế hoạch điều chỉnh) về cơ quan quản lý nhà ở trung ương để theo dõi, quản lý. Việc bổ sung này nhằm giúp cho quy định về phát triển nhà ở được đầy đủ, chặt chẽ, tránh tình trạng địa phương tùy tiện điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà ở.
- Sửa đổi Điều 9 theo hướng quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và bãi bỏ các quy định về chấp thuận chủ trương nhằm phù hợp với Luật Đầu tư (sửa đổi).
- Sửa đổi Điều 18 theo hướng quy định các trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn, chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở (bao gồm trường hợp dự án có nhiều nhà đầu tư có quyền sử dụng đất được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư) nhằm bảo đảm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở. Việc quy định như trên là nhằm cụ thể hóa quy định mới được sửa đổi của Luật Nhà ở (sửa điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Nhà ở).
(2) Nhóm quy định về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:
- Về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư:
+ Sửa đổi Khoản 1 Điều 36 theo hướng quy định cụ thể Chủ đầu tư phải lập tài khoản vốn chuyên dùng để người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp kinh phí 2% bảo trì vào tài khoản này. Việc sửa đổi này nhằm bảo đảm tài khoản vốn chuyên dùng được thực hiện như dạng tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được tự ý sử dụng vào các mục đích khác.
+ Sửa đổi Khoản 2 Điều 36 theo hướng quy định một hình thức để người mua nhà nộp tiền trực tiếp vào tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, bỏ quy định nộp trực tiếp cho chủ đầu tư.
- Về xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì 2% bàn giao cho Ban quản trị:
Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 37 theo hướng quy định hình thức xử lý tài sản của chủ đầu tư theo hình thức bán đấu giá tài sản để làm cơ sở cho địa phương thực hiện việc thu hồi kinh phí bàn giao cho Ban quản trị.
(3) Nhóm quy định về quản lý cho thuê, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước
Liên quan đến nhóm các quy định về quản lý cho thuê, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
- Bổ sung tại khoản 3 Điều 65 quy định cụ thể việc tính tiền nhà, tiền sử dụng đất đối với diện tích sử dụng chung khi bán phân bổ cho các hộ dân nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở thì cũng áp dụng cách tính như khoản 1 khoản 2 Điều 65 của Nghị định. Việc bổ sung này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện tính tiền nhà, tiền sử dụng đất trong trường hợp các hộ dân đồng thuận việc phân bổ diện tích sử dụng chung.
- Thay thế cụm từ công trình trọng điểm quốc gia tại khoản 1 Điều 62 bằng cụm từ công trình quan trọng quốc gia cho phù hợp với pháp luật về xây dựng.
- Bổ sung tại điểm e Khoản 2 Điều 69 quy định rõ trường hợp người mua nhà không đến làm thủ tục ký kết hợp đồng mua bán nhà ở cũ thì UBND cấp tỉnh hủy bỏ Quyết định bán nhà và tiếp tục quản lý cho thuê theo quy định. Quy định bổ sung này nhằm bảo đảm việc quản lý chặt chẽ việc cho thuê, bán nhà ở thuộc sở hữu sở hữu nhà nước, tránh tình trạng tùy tiện trong sử dụng nhà ở này.
- Bổ sung tại điểm b Khoản 2 Điều 71 quy định rõ trường hợp khi bán diện tích đất liền kề với nhà ở cũ vị trí mặt đường, phố sinh lợi cao thì áp dụng hệ số k để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về thu tiền sử dụng đất khi bán loại nhà ở này.
- Bổ sung tại Khoản 5 Điều 71 quy định cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết việc công nhận phần diện tích sử dụng, phần diện tích đất liền kề đối với nhà ở cũ. Quy định này bảo đảm thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tạo cơ sở cho địa phương thực hiện.
(4) Nhóm quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính
Ngày 06/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 101/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, có quy định cụ thể về bãi bỏ một số giấy tờ liên quan đến nhân thân trong các thủ tục về cho thuê, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Vì vậy, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể sau:
- Bổ sung quy định về việc người nộp hồ sơ không phải nộp các giấy tờ liên quan đến nhân thân mà chỉ phải cung cấp số định danh cá nhân trong trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành kết nối (bổ sung quy định tại cuối điểm c khoản 1 Điều 60, điểm b khoản 1 Điều 69, khoản 5 Điều 71).
- Quy định giảm bớt số lượng hồ sơ thủ tục hành chính mua, thuê, thuê mua nhà ở từ 02 bộ xuống còn 01 bộ hồ sơ (sửa khoản 1 Điều 54, điểm a khoản 2 Điều 60 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP);
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định bãi bỏ một số điều, khoản có liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, hình thức đầu tư dự án xây dựng – chuyển giao (BT) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật liên quan (bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 14, khoản 2 Điều 26, điểm c khoản 2, điểm c và đ khoản 3 Điều 27 Nghị định 99/2015/NĐ-CP) và quy định xử lý chuyển tiếp một số nội dung nhằm bảo đảm tính thông suốt trong quá trình thực hiện.
Xem chi tiết tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!