Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, Bộ này đề xuất phạt đến 600 triệu đồng đối với việc không nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho người mua, cụ thể như sau.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/16/du-thao-nd-xu-phat-hanh-chinh-trong-xay-dung.doc Dự thảo Nghị định (Lần 02)
Dự thảo Nghị định bao gồm 88 Điều và được chia thành 8 chương, cụ thể:
- Chương I (06 Điều): Những quy định chung.
- Chương II (35 Điều): Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dựng.
- Chương III (01 Điều - 42): Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng.
- Chương IV (16 Điều): Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Chương V (14 Điều): Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản và nhà.
- Chương VI (10 Điều): Quy định về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính.
- Chương VII (02 Điều): Quy định về biện pháp thi hành.
- Chương VIII (04 Điều): Quy định về điều khoản thi hành.
(1) Đề xuất phạt đến 600 triệu đồng với chủ đầu tư không đề nghị cấp sổ đỏ cho dân
Cụ thể, nội dung này nêu tại Khoản 6 Điều 59 Dự thảo Nghị định đề xuất về mức xử phạt đối với vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản như sau:
“Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi chủ đầu tư dự án bất động sản không nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.”
Theo đó, trường hợp Dự thảo Nghị định được thông qua, thì trường hợp chủ đầu tư không tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho bên mua bất động sản thì có thể bị phạt từ 400 đến 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp này là buộc chủ đầu tư phải nộp hồ sơ để làm thủ tục sổ đỏ theo quy định.
Thông tin thêm về vấn đề này, tại Khoản 8 Điều 39 Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực thi hành từ 01/8) có nêu rõ, trong thời hạn là 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN cho người mua, người thuê mua nhà ở, ngoại trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục này.
(2) Thanh toán không thông qua tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt lên đến 260 triệu đồng
Theo quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (có hiệu lực thi hành từ 01/8) thì các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Xem chi tiết tại: Trường hợp mua bán nhà nào buộc phải chuyển khoản từ 01/8?
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 59 Dự thảo Nghị định, Bộ xây dựng đã có đề xuất xử phạt từ 200 đến 260 triệu đồng đối với trường hợp chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán mà không thông qua tài khoản.
Đồng thời, còn bị buộc phải chuyển tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản đã nhận từ khách hàng vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với hành vi này.
(3) Chủ đầu tư không công khai thông tin đã thế chấp dự án bất động sản có thể bị phạt đến 01 tỷ đồng
Theo quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có nêu rõ, trước khi đưa bất động sản, dự án bất động sản vào kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin dưới đây trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cụ thể:
- Thông tin về dự án bất động sản
- Thông tin về nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, mà trong đó bao gồm cả việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
- Thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn.
- Thông tin về quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản.
- Các thông tin đã công khai phải được cập nhật khi có sự thay đổi.
Theo đó, tại Dự thảo Nghị định, Bộ xây dựng đề xuất xử phạt từ 800 đến 01 tỷ đồng đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không thực hiện công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định. Đồng thời, còn buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin theo quy định.