Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số được công bố đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và thảo luận của mọi người. Trong đó, những nguyên tắc phát triển công nghiệp bán dẫn là nội dung được quan tâm hơn cả. Cụ thể thế nào, hãy cùng tìm hiểu.
1. Những cơ chế, chính sách đặc biệt cho phát triển công nghiệp bán dẫn tại Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số
Căn cứ Điều 80 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số đề xuất những cơ chế, chính sách đặc biệt cho phát triển công nghiệp bán dẫn như sau:
- Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động công nghiệp bán dẫn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu dây chuyền, máy móc và nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất, miễn giảm thuế, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước và các chính sách ưu đãi khác.
- Nhà nước có cơ chế về đối ứng đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
- Có cơ chế đặc thù tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn làm việc tại các tổ chức công lập.
- Có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, bổ sung quy định sở hữu nhà ở, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ tạm trú cho các chuyên gia, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn; hỗ trợ cho các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được cống hiến cho đất nước.
- Có cơ chế đặc biệt thu hút các chuyên gia đầu ngành bán dẫn có nghiên cứu những công nghệ tiên tiến và những sản phẩm bán dẫn có tính chất cách mạng và cơ đầu tư nghiên cứu, thương mại hóa phát triển sản phẩm.
- Có cơ chế kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với các cơ sở đào tạo nhằm bổ sung kỹ năng, kiến thức đóng góp chuyên môn, cung cấp cơ hội thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy các kỹ năng chuyên ngành; hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu.
- Thúc đẩy kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, đảm bảo các khóa đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế và được công nhận rộng rãi, kết hợp các chương trình đào tạo chuyên ngành với các chương trình đào tạo bổ trợ (ngoại ngữ, kỹ năng khởi nghiệp, …) trong lĩnh vực bán dẫn.
- Có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chiến lược phát triển bán dẫn cho doanh nghiệp công nghệ số chủ lực trong nước.
- Có cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua bán sáp nhập các công ty công nghệ trong và ngoài nước.
- Thiết lập cơ chế một cửa liên thông quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đầu tư và các vấn đề liên quan khác tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, tư vấn, tiếp nhận, tham mưu cấp phép và theo dõi tiến độ các dự án đầu tư về công nghiệp vi mạch bán dẫn; dành mức ưu tiên xử lý cao nhất đối với hồ sơ thủ tục các dự án.
- Thiết lập cơ chế làn xanh cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là xu hướng của thế giới và là “gà đẻ trứng vàng” trong ngành công nghiệp công nghệ số. Những chính sách trên sẽ là bước đầu cần thiết cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp công nghệ số nói chung.
2. Đề xuất những nguyên tắc phát triển công nghiệp bán dẫn
Căn cứ Điều 76 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số đề xuất những nguyên tắc phát triển công nghiệp bán dẫn như sau:
- Công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghiệp nền tảng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Phát triển công nghiệp bán dẫn gắn liền với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số; tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bán dẫn chuyên dụng cho phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
- Phát triển nguồn nhân lực đồng thời cả chiều rộng và chiều sâu, nhân tài và nhân lực là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố quyết định để tự chủ, trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu có khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tất cả các công đoạn trong hoạt động bán dẫn.
- Phát triển công nghiệp bán dẫn dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo về bán dẫn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam, làm nền tảng vươn ra thị trường thế giới.
- Định hướng công nghiệp bán dẫn Việt Nam trọng tâm phục vụ phát triển xanh. Cung cấp các giải pháp bán dẫn ứng dụng trong giám sát môi trường, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh,… nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa sản xuất và truyền tải năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
- Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn dựa trên việc kết hợp thị trường với sự điều tiết, dẫn dắt của nhà nước; kết hợp kế hoạch ngắn hạn, trung hạn với tầm nhìn dài hạn, phát triển toàn diện nhưng có đột phá trong các lĩnh vực cốt lõi; kết hợp tự chủ và hợp tác quốc tế.
Chung quy lại, ngành bán dẫn là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu. Đồng thời, là nền tảng cho các thiết bị điện tử, vi mạch, và các linh kiện điện tử khác.
Những nguyên tắc phát triển công nghiệp bán dẫn trên là bàn đạp vững chắc cho các doanh nghiệp cũng như những cá nhân đang và sẽ hoạt động trong ngành có thêm động lực để phát triển và vươn mình ra thế giới.
Bài được viết theo Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số: Tải về