Đề xuất nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên toà công khai phải xin phép 2 lần

Chủ đề   RSS   
  • #612217 31/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 515 lần


    Đề xuất nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên toà công khai phải xin phép 2 lần

    Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân dự kiến sẽ thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 nếu được thông qua với nhiều quy định mới, nổi bật là về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

    Đề xuất nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai phải xin phép 2 lần

    Theo Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo 5), quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như sau:

    - Người từ đủ 16 tuổi trở lên được tham dự phiên tòa xét xử công khai theo quy định  của  pháp  luật. Người dưới  16  tuổi không được  vào  phòng  xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

    -  Người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

    - Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng  khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. 

    - Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

    - Người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của  Tòa  án; vi phạm quyền con người của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án. 

    Theo đó, đây là quy định mới hoàn toàn so với quy định hiện hành. Theo Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo 5), việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc khi có sự đồng ý của chủ tọa, và việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp, tức là phải xin phép 2 lần so với quy định trước đây chỉ cần được sự đồng ý của chủ toạ.

    Cụ thể:

    Tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

    Tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

    Tại khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, những người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

    Như vậy, theo quy định hiện hành, nhà báo tham dự để đưa tin về diễn biến phiên tòa sẽ tuân theo sự điều khiển của chủ tọa, không có quy định về giới hạn ghi âm, ghi hình lời nói, hình ảnh của hội đồng xét xử ở các phần của phiên tòa và việc ghi âm, ghi hình của đương sự, người tham gia tố tụng khác chỉ cần sự đồng ý của chủ toạ.

    Đến quy định tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo 5), nhà báo đưa tin về diễn biến phiên tòa bị giới hạn, chỉ được đưa lời nói, hình ảnh của hội đồng xét xử tại phần khai mạc phiên tòa. Đồng thời, việc ghi âm, ghi hình đương sự, người tham gia tố tụng khác sẽ phải xin lần 1 là từ đương sự, người tham gia tố tụng khác và lần 2 là từ chủ tọa phiên tòa.

    Xem toàn văn Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo 5): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/31/du-thao-5-luat-toa-an-nhan-dan.pdf

    Có được sử dụng điện thoại tại phiên tòa không?

    Theo Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư 02/2017/TT-TANDTC, quy định về việc sử dụng điện thoại trong nội quy phòng xử án như sau:

    - Nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 153 của Luật Tố tụng hành chính và các quy định sau đây:

    + Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án;

    + Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định;

    + Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

    Trong đó:

    -  Khoản 1, khoản 2 Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: 

    + Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.

    + Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

    - Khoản 6 Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:  Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; không sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

    - Khoản 6 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được Chủ tọa phiên tòa cho phép; không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án; không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

    Như vậy, đối với phiên tòa dân sự và hành chính, việc sử dụng điện thoại là không được phép. Còn trong phiên tòa hình sự chưa có quy định cụ thể về việc cấm sử dụng điện thoại tại phiên toà, tuy nhiên có quy định mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Theo đó, nếu hội đồng xét xử có điều hành về việc sử dụng điện thoại hoặc việc sử dụng điện thoại gây ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa thì cũng không được phép sử dụng.

    Xem toàn văn Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo 5): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/31/du-thao-5-luat-toa-an-nhan-dan.pdf

     
    335 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận