Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã đề xuất thay đổi điều kiện được bổ nhiệm và thời hạn nhiệm kỳ của Thẩm phán và Thẩm phán TAND Tối cao
(1) Thẩm phán là ai? Tiêu chuẩn chung để trở thành Thẩm phán
Theo Điều 89 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
>>Xem Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/580434.pdf
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán đã có một số sửa đổi so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014. Cụ thể, Điều 95 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán như sau:
- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
- Có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên.
- Có trình độ cử nhân luật trở lên.
- Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.
- Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.
- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung thêm độ tuổi tối thiểu được bổ nhiệm làm Thẩm phán là từ đủ 28 tuổi trở lên, các tiêu chuẩn còn lại được giữ nguyên theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
(2) Các ngạch Thẩm phán
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Thẩm phán có 04 ngạch từ thấp tới cao bao gồm: Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán TAND Tối cao.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã thay đổi hoàn toàn cách tính ngạch trên, theo đó, Điều 91 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đề xuất ngạch của Thẩm phán TAND sẽ gồm 02 ngạch là Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán.
Theo đó, 02 ngạch này sẽ chia ra thành các bậc, cụ thể:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giữ bậc cao nhất trong ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm 02 bậc, từ bậc 01 đến bậc 02;
- Thẩm phán gồm có 09 bậc, từ bậc 01 đến bậc 09.
(3) Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán
Bên cạnh sửa đổi tiêu chuẩn chung bổ nhiệm Thẩm phán, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cũng đã sửa đổi, bổ sung về điều kiện được bổ nhiệm Thẩm phán.
Theo đó, người được bổ nhiệm ngạch Thẩm phán phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 95 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật
- Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán
Trường hợp chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 95 thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây để được bổ nhiệm làm Thẩm phán:
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án Quân sự khu vực
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án Quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương.
>>Xem Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/580434.pdf
(4) Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao
Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao được quy định tại Điều 97 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) như sau:
- Đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 95 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
- Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên
- Đã là Thẩm phán bậc 06 từ đủ 03 năm trở lên
- Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật.
Trường hợp là người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao
- Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Lưu ý: Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm trong trường hợp này không vượt quá 02 người.
(5) Nhiệm kỳ của Thẩm phán
Theo Điều 74 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định, nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Thẩm phán và Thẩm phán TAND Tối cao theo đề xuất tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Cụ thể, tại Điều 100 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán như sau:
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm; Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi quay lại làm Thẩm phán thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia và được xếp vào bậc tương ứng. Nhiệm kỳ của Thẩm phán đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp; trường hợp có nguyện vọng và đủ điều kiện tiếp tục làm Thẩm phán thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia. Nhiệm kỳ của Thẩm phán được tính là nhiệm kỳ đầu.
Với thời hạn kéo dài cho đến lúc nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã mở ra một quy chế mới cho chức danh Thẩm phán. Lý giải cho đề xuất “thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác…” trong dự thảo Luật Tổ chức TAND, TAND Tối cao cho biết việc thay đổi về nhiệm kỳ thẩm phán là để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 11/9/2022, tăng cường tính độc lập của thẩm phán…
>>Xem Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/580434.pdf