Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ công an soạn thảo đang trong giai đoạn góp ý, hoàn thiện. Trong đó, nổi bật là đề xuất cho phép CSGT khám người, khám xe tham gia giao thông theo thủ tục hành chính.
Đề xuất CSGT sẽ được khám người, khám xe tham gia giao thông
Theo Điều 64 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Dự thảo) quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó:
- Hoạt động tuần tra, kiểm soát bao gồm: Bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác.
- Hình thức tuần tra, kiểm soát bao gồm: Tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông đường bộ; Kiểm soát thông qua hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông.
- Lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát bao gồm: Lực lượng Cảnh sát giao thông; Lực lượng, đơn vị khác trong Công an nhân dân được huy động tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.
Theo Báo Pháp Luật đưa tin, tại Hội thảo góp ý hai Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, Đại tá, PGS-TS Trần Thảo, Trường Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 64 quyền hạn của Cảnh sát giao thông.
Cụ thể là đề xuất Cảnh sát giao thông được khám người, phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trong trường hợp cấp bách cho phù hợp với quy định tại điều 127, 128 luật xử lý vi phạm hành chính.
Quy định về khám người và phương tiện theo thủ tục hành chính
1) Khám người theo thủ tục hành chính
Theo Điều 127 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về khám người theo thủ tục hành chính như sau:
- Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
- Những người được quy định tại Khoản 1 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quyền quyết định khám người theo thủ tục hành chính.
Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy:
+ Ngoài những người được quy định, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính
+ Những người này phải báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng của mình là một trong những người được quy định tại Khoản 1 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.
- Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay theo quy định.
- Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.
- Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám 01 bản.
2) Khám phương tiện theo thủ tục hành chính
Theo Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bởi điểm i Khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, quy định về khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính như sau:
- Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
- Những người được quy định tại Khoản 1 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.
- Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy:
+ Ngoài những người quy định, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức thuế, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường, thanh tra viên đang thi hành công vụ được khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính
+ Những người này phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám.
- Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp tiến hành khám ngay.
+ Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và 01 người chứng kiến;
+ Trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có ít nhất 01 người chứng kiến.
- Mọi trường hợp khám phương tiện vận tải, đồ vật đều phải lập biên bản. Quyết định khám và biên bản phải giao cho chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải 01 bản.
Như vậy, những người quy định tại Khoản 1 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sẽ có thẩm quyền khám người và phương tiện theo thủ tục hành chính.
Ngoài ra, ở những trường hợp khẩn cấp cần khám ngay thì còn những người khác quy định tại Khoản 2 Điều 127, Khoản 3 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được phép khám người, khám phương tiện và phải báo cáo ngay, trong đó có chiến sĩ CSGT thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân.
Tuy nhiên hiện tại Dự thảo đang chưa có quy định này, vì vậy mới có đề xuất CSGT được khám người, phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trong trường hợp cấp bách cho phù hợp với quy định.
Nguồn: Báo Pháp Luật