Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, Bộ này đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, theo đó sẽ bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm, từ 2026 đến 2030. Cụ thể như sau.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/17/Du-thao-Luat-thue-TTDB-sua-doi.pdf Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần 03
Việc sửa đổi phương pháp tính thuế đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết
Tại Dự thảo Tờ trình, Bộ Tài chính có nêu rõ, mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình vào năm 2016 và 2019.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Theo đó, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá trong nam giới xuống còn 39% trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Từ đó, có thể thấy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.
Theo đó, việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với thuốc lá sẽ đảm bảo cho chính sách thuế hiệu quả đối với mục tiêu tăng giá, góp phần định hướng giảm tiêu dùng sản phẩm thuốc lá giá rẻ, chất lượng thấp. Đồng thời, giúp hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ, đối tượng mới hút thuốc thường tiếp cận thuốc lá bắt đầu từ thuốc lá giá thấp, bị nghiện sớm, khó cai/bỏ thuốc cũng như đối tượng thu nhập thấp, người nghèo hút thuốc, nghiện thuốc lá, khả năng chi cho chăm sóc sức khỏe hạn chế hơn nên gánh nặng bệnh tật và kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, cần thiết sửa đổi phương pháp tính thuế đối với mặt hàng thuốc lá theo phương pháp tính thuế hỗn hợp nhằm tăng tính hiệu quả của chính sách thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế thuốc lá của thế giới.
Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 được sửa đổi bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 có quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ được quy định theo Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá hiện nay là 75%.
Đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá
Cụ thể, tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với các mặt hàng thuốc lá như sau:
Năm
|
Phương án 01
|
Phương án 02
|
Thuốc lá điếu
|
Từ 2026
|
2.000 đồng/bao
|
5.000 đồng/bao
|
Từ 2027
|
4.000 đồng/bao
|
6.000 đồng/bao
|
Từ 2028
|
6.000 đồng/bao
|
7.000 đồng/bao
|
Từ 2029
|
8.000 đồng/bao
|
8.000 đồng/bao
|
Từ 2030
|
10.000 đồng/bao
|
10.000 đồng/bao
|
Thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm
|
Từ 2026
|
20.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
50.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
Từ 2027
|
40.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
60.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
Từ 2028
|
60.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
70.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
Từ 2029
|
80.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
80.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
Từ 2030
|
100.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
100.000 đồng/100g hoặc 100ml
|
Ngoài ra, dựa trên mô hình đánh giá tác động TAXim của WHO, Bộ Tài chính cũng dự kiến tác động của việc đánh thuế hỗn hợp (bổ sung thuế tuyệt đối) đối với thuốc lá theo 02 phương án nêu trên như sau:
- Phương án 01: Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,7% (2022) xuống còn 41,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 giảm xuống còn 38,5%.
Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2022) lên 44% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,4%.
Số thu thuế TTĐB đối với thuốc lá tăng từ 17,6 nghìn tỷ (2022) lên 23,7 nghìn tỷ năm 2026 và 39,1 nghìn tỷ năm 2030.
- Phương án 02: Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,7% (2022) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 giảm xuống còn 38,6%.
Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2022) lên 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,38%.
Số thu thuế TTĐB đối với thuốc lá tăng từ 17,6 nghìn tỷ (2022) lên 30 nghìn tỷ năm 2026 và 39,2 nghìn tỷ năm 2030.
Theo đó, hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiêng về Phương án 2 và cũng đang nghiên cứu xây dựng lộ trình hợp lý để tránh tình trạng "kích cầu hàng lậu".