Sáng 25.11, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) xét xử sơ thẩm vụ án bé gái 8 tuổi V.A bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành đến tử vong về tội “giết người” và “hành hạ người khác”. Cha ruột của bé V.A - bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái cũng bị đưa ra xét xử về tội danh “hành hạ người khác”, và “che giấu tội phạm”.
Đối với đề nghị của luật sư về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 2, trưng cầu giám định bổ sung tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM vì cho rằng Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM không phải là đơn vị giám định ban đầu nên việc thực hiện giám định bổ sung là không khách quan, không chính xác.
Về điều này, HĐXX cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 210 của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Ngoài ra, theo quy định của luật Giám định Tư pháp và Nghị định 85/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giám định tư pháp quy định việc giám định tư pháp là việc giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ để kết luận chuyên môn về những vấn đề liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành hành án theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của luật Giám định tư pháp.
Trong đó, Viện khoa học hình sự Bộ Công an và Phòng kỹ thuật hình sự Bộ Công an cấp tỉnh đều là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, đều có chức năng thực hiện giám định kỹ thuật hình sự, do đó đề nghị của luật sư trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 2 để yêu cầu Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM giám định bổ sung là không có cơ sở chấp nhận.