Đề nghị đình chỉ bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

Chủ đề   RSS   
  • #611535 15/05/2024

    btrannguyen
    Top 200
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (388)
    Số điểm: 6293
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 103 lần


    Đề nghị đình chỉ bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

    Tối 14/5, sau vụ việc 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm có văn bản đề nghị đình chỉ ngay bếp ăn Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam. Bếp ăn tập thể phải đảm bảo những điều kiện gì về an toàn thực phẩm?

    Đề nghị đình chỉ bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

    Theo Báo Vĩnh Phúc đưa tin, tối qua ngày 14/5/2024 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Vĩnh Phúc yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) vì có hàng trăm người lao động nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại bếp ăn này.

    Trong văn bản, Cục đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ sở y tế có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân. Không để các bệnh nhân có diễn biến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên.

    Đồng thời, Cục đề nghị đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

    Điều kiện an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể mới nhất?

    1) Đối với nơi chế biến của bếp ăn tập thể

    Theo Điều 28 Luật An toàn thực phẩm 2010, nơi chế biến phải đảm bảo những điều kiện cụ thể như sau:

    - Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.

    - Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

    - Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.

    - Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.

    - Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.

    - Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.

    - Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

    2) Đối với cơ sở chế biến của bếp ăn tập thể

    Theo Điều 29 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến phải đảm bảo những điều kiện sau đây:

    - Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.

    - Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

    - Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.

    - Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

    3) Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm

    Theo Điều 30 Luật An toàn thực phẩm 2010, bếp ăn tập thể khi chế biến và bảo quản thực phẩm phải tuân thủ những yêu cầu sau đây:

    - Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.

    - Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.

    - Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.

    Như vậy, khi kinh doanh bếp ăn tập thể cần phải đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định như trên.

    Bếp ăn tập thể gây ngộ độc thực phẩm có thể bị xử lý thế nào?

    Theo Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm như sau:

    - Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;

    + Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

    + Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

    - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

    + Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    + Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định trên trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Hình thức xử phạt bổ sung:

    + Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng tuỳ theo vi phạm

    + Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng tuỳ theo vi phạm

    + Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm tùy theo vi phạm

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm tuỳ theo vi phạm

    + Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm tùy theo vi phạm.

    Như vậy, nếu bếp ăn tập thể vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến ngộ độc thì sẽ bị xử lý theo quy định nêu trên. Ngoài ra, trường hợp mức độ nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

     
    39 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận