Trong kho tàng thành ngữ tục ngữ có cụm “Đầu trộm đuôi cướp”. Vậy cụm từ này có nghĩa là gì? Và chuyển hóa tội trộm cắp tài sản thành cướp tài sản khi nào? Mời các bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
1. Ý nghĩa cụm từ “Đầu trộm đuôi cướp”
Nếu tìm trong kho tàng thành ngữ tục ngữ, ta có thể thấy nhiều câu có cấu trúc “đầu… đuôi…” như “đầu voi đuôi chuột”, “đầu xuôi đuôi lọt”… nhưng mỗi câu mang một nghĩa khác nhau và không có một lối diễn đạt thống nhất. Vì vậy, khó có thể suy ra ẩn ý sau câu “đầu trộm đuôi cướp” nếu đi theo hướng này.
Có ý kiến lý giải “đầu trộm đuôi cướp” như sau: “Đầu trộm: đứng đầu bọn trộm, vào nhà đầu tiên, phải có tài. Đuôi cướp: đi cuối cùng khi bạn cướp rút lui, phải có võ nghệ cao cường. Nói những tay trộm cướp cừ khôi”.
Trộm phải lẻn vào một khu vực mình không làm chủ để lấy đồ, ban đầu cần thật khéo léo để dò xét tình hình, nhưng khi rút lui thì thường trong yên ắng, chẳng có gì phải lo (trừ khi không may để bị phát hiện). Ngược lại, cướp thường khởi sự bằng cách dùng số đông uy hiếp kẻ thế cô, nên chỉ đáng lo khi tháo chạy, là lúc nạn nhân đã la làng và thường có nhiều người đến giúp. Như thế, kẻ đi đầu bọn trộm và kẻ chạy cuối bọn cướp phải là những người giỏi, giàu kinh nghiệm.
Như vậy, theo lý giải này thì, “đầu trộm đuôi cướp” chỉ những tên trộm cướp giỏi, nhiều kinh nghiệm, về sau mới mở rộng ra chỉ trộm cướp nói chung.
Cũng có ý kiến cho rằng, (ban) đầu là trộm, sau (đuôi) trở thành cướp, chỉ những người làm việc xấu càng ngày càng tồi tệ hơn.
Trong khoa học pháp lý hình sự câu “đầu trộm đuôi cướp” ý chỉ trường hợp từ hành vi “trộm cắp tài sản” ban đầu nhưng liền sau đó hành vi lại chuyển hóa thành tội “cướp tài sản” hoặc “cướp giật tài sản”.
2. Chuyển hóa tội trộm cắp tài sản thành cướp tài sản khi nào?
Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa về chuyển hóa tội phạm. Trước đây "chuyển hóa tội phạm" được ghi nhận tại các văn bản Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP và Nghị quyết 01-HĐTP/NQ. Tuy các văn bản đã hết hiệu lực nhưng vẫn được tham khảo trong xét xử.
Mục 6 Phần I, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về tình tiết hành hung để tẩu thoát của tội trộm cắp tài sản như sau:
6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.
Đồng thời, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP cũng quy định:
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
Như vậy, có 02 trường hợp mà tội trộm cắp tài sản chuyển hóa thành cướp tài sản như sau:
Thứ nhất, trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác để chiếm đoạt tài sản cho bằng được.
Thứ hai, trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng do chủ tài sản hoặc người khác đã lấy lại được tài sản hoặc đang giành lại tài sản từ tay người phạm tội mà người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản bằng được.
Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) là cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm cướp tài sản được phân tích như sau:
+ Hành vi dùng vũ lực: Người phạm tội dùng sức mạnh vật chất để tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nhằm xóa bỏ sự phản kháng, lấn át của người cản trở để chiếm đoạt tài sản đó.
+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: Người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tại thời điểm phạm tội, được thể hiện bằng lời nói hoặc cử chỉ hành động đe dọa sẽ tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người cản trở nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
+ Có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội dùng mọi cách thức, thủ đoạn đưa nạn nhân rơi vào tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản.
Như vây, hành vi dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản.
Trong khoa học pháp lý khi nói đến "đầu trộm đuôi cướp" chúng ta nghĩ đến việc chuyển hóa tội phạm, ban đầu đối tượng có ý định trộm cắp tài sản nhưng sau đó có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để cướp tài sản.
3. Một số bản án về chuyển hóa tội phạm từ Trộm cắp tài sản thành Cướp tài sản
Bản án 01/2018/HS-ST ngày 19/01/2018 về tội trộm cắp, cướp tài sản
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum.
- Tóm tắt nội dung: Đang thực hiện hành vi tháo trộm thì bị bà YL tỉnh giấc, phát giác. Liền lúc này H giật mạnh lấy được chiếc bông tai bên phải; Bà YL chồm người ngồi dậy thì H giật tiếp làm đứt dái tai bên trái, lấy được chiếc bông tai bên trái; Khi bà YL vừa la lớn, vừa tóm được cổ áo H thì H đã ngay tức khắc tấn công bà YL,… Hành vi của H đã xâm phạm vào quyền sở hữu tài sản của người khác và được chuyển hóa từ hành vi “trộm cắp tài sản” sang hành vi “Cướp tài sản”.
Bản án 03/2018/HS-ST ngày 26/01/2018 về tội cướp tài sản
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
- Tóm tắt nội dung: Trần Đình V đã có hành vi dùng tay bóp cổ và có lời nói đe dọa chị A buộc chị A phải đưa cho V 02 nhẫn vàng, 01 lắc đeo tay bằng vàng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Sam Sung Galaxy J7 Prime. Hành vi của V thuộc trường hợp chuyển hóa tội phạm từ “trộm cắp tài sản” sang “cướp tài sản”.