Trong đời sống xã hội, luôn phát sinh các giao dịch dân sự, trong số đó có những giao dịch bắt buộc phải đem đi công chứng thì mới có giá trị như hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, di chúc,...Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, có thể hiểu công chứng là việc công nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự. Việc công chứng một hợp đồng bảo đảm các giao dịch diễn ra đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Ý nghĩa là vậy nhưng hoạt động công chứng không phải bao giờ cũng diễn ra đúng tinh thần của Luật. Trong bài viết, mình chỉ xin đề cập đến vấn đề giá trong hợp đồng đem đi công chứng.
Giá cả luôn là yếu tố quan trọng trong một giao dịch được các bên thỏa thuận trước khi ký kết. Phổ biến nhất cho sự khác biệt giữa giá mua bán thực tế và giá trên hợp đồng công chứng là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giá đất giao dịch thực tế có thể lên đến 10 triệu/m2 nhưng giá trên hợp đồng chỉ 1 triệu/m2. Người ta thường để giá sát với giá nhà nước (theo bảng giá đất) mục đích trên hết vẫn là giảm đến mức thấp nhất số thuế phải nộp. Rất hiếm khi có chuyện giá chuyển nhượng được ghi đúng với thực tế. Vẫn là câu chuyện giá đất chuyển nhượng, khi ghi giá quá thấp dẫn đến khi đem đất đi thế chấp sẽ thiệt hại. Do đó người bán và người mua lại làm tiếp với nhau hợp đồng sửa đổi bổ sung (về giá) hợp đồng chuyển nhượng ban đầu. Như vậy, hợp đồng đầu tiên sẽ nộp qua tài nguyên để trốn thuế và hợp đồng sửa đổi bổ sung sẽ có lợi hơn khi đem đi thực hiện một giao dịch khác. Việc làm trên dẫn đến thất thu thuế cho Nhà nước, hơn nữa cũng tạo rủi ro cho các bên tham gia giao dịch.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!