Dâu là con, rể là khách là gì? Mẹ chồng bỏ nhà đi vì giận con dâu có được hòa giải ở cơ sở không?

Chủ đề   RSS   
  • #608934 29/02/2024

    phanthanhthao0301

    Mầm

    Vietnam --> Gia Lai
    Tham gia:10/11/2023
    Tổng số bài viết (96)
    Số điểm: 510
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 1 lần


    Dâu là con, rể là khách là gì? Mẹ chồng bỏ nhà đi vì giận con dâu có được hòa giải ở cơ sở không?

    Dâu là con, rể là khách là gì? Mẹ chồng mâu thuẫn với con dâu nên bỏ nhà đi có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật hay không?

    Dâu là con, rể là khách là gì?

    Câu tục ngữ “Dâu là con, rể là khách” thể hiện quan niệm của ông ta về mối quan hệ trong gia đình Việt từ ngày xưa:

    - Dâu là con: Người con dâu là một thành viên cùng ăn, cùng ở, cùng tạo ra vật chất, của cải trong gia đình.

    Có thể nói, vai trò của con dâu trong gia đình Việt ngày xưa có ý nghĩa và vị trí vô cùng quan trọng bởi mỗi khi đau ốm hay trái gió trở trời, bố mẹ, ông bà chồng đều được một tay cô con dâu chăm sóc; những lo toan trong gia đình được người con dâu cùng chung vai gánh vác.

    - Ngược lại “rể là khách”: giống như con dâu, con rể cũng là thành viên khác dòng máu đến gia nhập vào gia đình khác - là gia đình vợ. Nhưng thực tế con rể chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày gia đình vợ có những công việc quan trọng. Thành viên này thường không gắn bó thường xuyên cả ngày với gia đình như người con dâu.

    Dưới góc độ xã hội hiện đại, thì quan niệm “dâu là con, rể là khách” nên được nhìn nhận lại một cách linh hoạt và sâu sắc hơn, bởi:

    Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng - nơi mà bình đẳng giới ngày càng được đề cao đi đôi với đó là cả con dâu và con rể đều có trách nhiệm chung trong việc xây dựng gia đình.

    Theo đó, có thể nói rằng dâu hay rể thì cũng đều là con. Đều có vai trò giống nhau trong gia đình.

    Vậy nên cần chú ý một số vấn đề trong việc vận dụng quan niệm “dâu là con, rể là khách” trong thực tế cuộc sống:

    - Tránh áp đặt quan niệm này một cách cứng nhắc, dẫn đến mâu thuẫn và bất hòa.

    - Tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu và yêu thương để xây dựng gia đình hạnh phúc.

    Ngoài ra, trong vấn đề hòa giải ở sở hòa giải viên có thể vận dụng câu nói này vào mâu thuẫn trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu qua tình huống sau: Mẹ chồng mâu thuẫn với con dâu nên bỏ nhà đi.

    Mẹ chồng mâu thuẫn với con dâu nên bỏ nhà đi có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không?

    Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP thì hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

    - Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

    Như vậy, trong tình huống “Mẹ chồng mâu thuẫn với con dâu nên bỏ nhà đi” thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

    Lưu ý: theo quy định tại Điều 16 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

    - Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

    - Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

    - Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải quan hệ mẹ chồng nàng dâu phải đảm bảo những nguyên tắc hòa giải ở cơ sở nào?

    Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải quan hệ mẹ chồng nàng dâu phải đảm bảo những nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, cụ thể như sau:

    - Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

    - Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

    - Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

    - Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

    - Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

    - Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

    Ngoài ra, khi tiến hành tổ chức hòa giải trong trường hợp “Mẹ chồng mâu thuẫn với con dâu nên bỏ nhà đi” hòa giải viên có thể dùng câu nói “Dâu là con, rể là khách” để xoa dịu mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ cả hai phía mẹ chồng lẫn con dâu, đặc biệt là từ phía mẹ chồng bởi con nào thì cũng là con, không phân biệt là con mình hay con người khác.

    Để từ đó, giúp các bên có thể cùng nhìn nhận lại vấn đề, thấu hiểu nhau hơn và có một kết quả hòa giải thành công.

     
    1968 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận