"Dâu dâu rể rể cũng kể là con" thì có được nhận di sản thừa kế ngang với con ruột không?

Chủ đề   RSS   
  • #608891 27/02/2024

    nhatvy05021999

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:14/09/2019
    Tổng số bài viết (59)
    Số điểm: 295
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 4 lần


    "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" thì có được nhận di sản thừa kế ngang với con ruột không?

    Có câu "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" vậy thì nội dung này được ghi nhận ở đâu trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Và con dâu, con rể thì có được nhận di sản thừa kế ngang với con ruột hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" có ý nghĩa gì?

    "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" nhắc đến mối quan hệ khá phức tạp. Dâu ở đây chỉ con dâu, người kết hôn với con trai mình. Con rể ở đây là con rể, người kết hôn với con gái mình. Có những người có cả dâu, cả rể. Có những người có một, thậm chí là nhiều đứa con như thế.

    "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" mang hàm ý nhắc nhở ta nên coi dâu rể như con cái của mình. Duyên phận đã đưa đẩy ta về một nhà, thì cần nhìn nhận nhau như những người ruột thịt. Câu nói mang tinh thần gắn kết các mối quan hệ. Ông cha ta hi vọng những bậc làm cha mẹ hay những đứa con sẽ ghi lòng tạc dạ để cuộc sống gia đình hạnh phúc, yên ấm.

    Và tinh thần từ câu nói "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" đã được các nhà làm Luật ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

    Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

    Theo đó, thì con dâu, con rể cũng được xem là thành viên gia đình.

    dau-dau-re-re-cung-ke-la-con

    "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" thì có được nhận di sản thừa kế ngang với con ruột không?

    Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Như vậy, trong các trường hợp được hưởng thừa kế theo pháp luật thì con dâu con rể không nằm trong diện được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ theo pháp luật.

    Mặc dù không thuộc hàng thừa kế nào của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ nhưng con dâu, con rể vẫn được hưởng di sản thừa kế nếu bố mẹ chồng, bố mẹ vợ chết có để lại di chúc cho con dâu, con rể.

    Nhiều gia đình, người con dâu, con rể có khi lại là người gần gũi, chăm sóc cha mẹ chồng, cha mẹ vợ nhiều hơn con đẻ. Bởi thế, khi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ chết đi thường để lại di chúc phân chia tài sản của mình cho con dâu, con rể.

    Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí của người lập di chúc, cho nên người có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể là bất kỳ ai miễn là người đó có tên trong di chúc của người chết.

    Chính vì vậy, con dâu, con rể nếu có tên trong di chúc của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc miễn sao người lập di chúc muốn cho họ hưởng và ghi tên họ trong di chúc, di chúc hợp pháp và con dâu, con rể không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

    - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

    - Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

    - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

    - Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

    Lưu ý: Những người con dâu, con rể thuộc trường hợp được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 vẫn được hưởng di sản thừa kế, nếu người để lại di sản thừa kế đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

    Theo đó, "Dâu dâu rể rể cũng kể là con" thì có thể được nhận di sản thừa kế ít hơn, ngang bằng hoặc thậm chí là nhiều hơn so với con ruột vì lúc này hoàn toàn dựa vào ý chí của người để lại di chúc.

     
    182 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận