Đây là một câu hỏi mà người dân nước ta vẫn thường thắc mắc vì đánh bạc khi thì bị phạt hành chính, lúc lại bị xử lý hình sự. Vì thế bài viết này mình xin chia sẻ một số thông tin về hành vi trái pháp luật này.
Trước tiên cần phải làm rõ rằng hành vi đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật nên dù bất cứ hình thức nào, kể cả “đánh bài vui” vẫn được xem là vi phạm. Đánh bạc là việc nhiều người (ít nhất từ hai người trở lên) cùng tham gia thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào (đánh bài, tổ tôm, xóc đĩa, số đề, cá độ bóng đá,.v.v…) với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật (vàng, bạc, đá quý, xe máy, ôtô.v.v…)
Căn cứ theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định: “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Theo quy định trên, chỉ hành vi đánh bạc trái phép (không được pháp luật cho phép) mới có thể cấu thành tội đánh bạc, còn những hành vi đánh bạc được pháp luật cho phép, (như việc người nước ngoài đánh bạc tại một số casino được phép hoạt động) thì không trái pháp luật và không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Như vậy có thể thấy rằng việc đánh bạc dưới hình thức “vui” như tính điểm để bao nước,.. cũng thuộc hành vi đánh bạc trái pháp luật do “được thua bằng tiền hoặc hiện vật”. Lúc này số tiền đánh bạc sẽ là căn cứ để quyết định người đó có phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị phạt hành chính. Cụ thể tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội đánh bạc” như sau:
●Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
=>> Như vậy việc đánh bạc trái phép với trị giá tiền nằm trong khoảng điều luật trên quy định sẽ chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu ý ở đây rằng, số tiền trên không chỉ bao gồm tiền hoặc hiện vật trên chiếu bạc mà còn kể cả số tiền mà cá nhân đó mang theo.
Ví dụ trong trường hợp một người đàn ông tham gia đánh bạc với giá tiền mỗi lần đánh là 10.000 đồng. Tuy nhiên thời điểm bị bắt trong bóp của anh ta có 10.000.000 đồng thì nếu anh ấy chứng minh được số tiền 10 triệu không liên quan gì đến việc đánh bạc và không có mục đích đánh bạc thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính (không thỏa mãn tính chất tiền và hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên) chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều ngược lại sẽ xảy ra khi anh ta không chứng minh được điều đó.
Điều cuối cùng mình muốn giải đáp là trong trường hợp tham gia đánh bạc với mệnh giá không cấu thành tội phạm của Điều 321 BLHS 2015 thì người đánh bạc sẽ chịu hình phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng:
Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;”. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có.
Tóm lại có thể thấy hành vi đánh bạc dù ít hay nhiều đều bị xử lý theo pháp luật, đây vốn là điều mà nhiều người vẫn còn nghĩ rằng đánh bạc it thì “không sao”. Do đó mình nghĩ việc tuyên truyền pháp luật rất cần thiết trong bối cảnh ở nước ta, tình chấp hành pháp luật vẫn chưa thật sự tốt.