Đánh bài thông qua mạng internet, mỗi lần đều đánh dưới 5.000.000 và có đánh nhiều lần. Nếu bị công an phát hiện có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Về tội đánh bạc
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì hành vi đánh bạc sẽ bị truy cứu khi có những điều kiện sau:
- Số tiền, hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Số tiền, hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Vậy đánh bạc mà số tiền, hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng mà chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi tính số tiền đánh bạc thì công an sẽ tỉnh tổng số tiền đã chơi hay sẽ căn cứ vào từng lần chơi?
Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hiện nay đã hết hiệu lực nhưng khi xác định trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi đánh bạc vẫn dựa trên tinh thần của Nghị quyết này, theo đó khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
- Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
- Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
Tuy nhiên, theo Công văn 136/TANDTC-PC năm 2020 thì ở đây từng lần còn xác định theo tổng số tiền thu được đối với mỗi lần đánh (xét theo những người tham gia) để quyết định, cụ thể:
- Đối với vụ án đánh bạc, Tòa án căn cứ vào tổng số tiền thu được hay số tiền mỗi bị cáo dùng đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo.
Trường hợp này, tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo. Cụ thể: đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc.