Đăng ảnh người có dấu hiệu lừa đảo lên mạng được không?

Chủ đề   RSS   
  • #615706 02/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26428
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 541 lần


    Đăng ảnh người có dấu hiệu lừa đảo lên mạng được không?

    Trường hợp nghi ngờ một người có dấu hiệu lừa đảo thì có được đăng ảnh người đó lên mạng được không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Đăng ảnh người có dấu hiệu lừa đảo lên mạng được không?

    Căn cứ Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    Tuy nhiên, tại đây cũng nêu rõ, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, cụ thể:

    + Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

    + Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

    Từ quy định nêu trên, có thể thấy, trường hợp có nghi ngờ ai đó có hành vi lừa đảo và có bằng chứng chứng minh được hành vi lừa đảo đó thì người dân có thể đăng hình ảnh người này lên mạng để cảnh giác với bạn bè, người thân hoặc để tìm ra đối tượng lừa đảo. 

    Bởi trong trường hợp này, việc đăng ảnh có thể được coi là sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích cộng đồng.

    Tuy nhiên, tại đây cũng cần lưu ý, hình ảnh và nội dung được đăng tải cần phải đúng sự thật, không thêm bớt thông tin hay có yếu tố bịa đặt.

    (2) Sử dụng trái phép hình ảnh của người khác bị xử phạt như thế nào?

    Như đã có nêu tại mục (1), khi sử dụng hình ảnh cá nhân thì phải xin phép hoặc khi chưa được người đó cho phép thì được xác định là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác. Theo đó, tùy theo mức độ mà người đăng thông tin, hình ảnh có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:

    - Xử phạt hành chính: 

    Căn cứ khoản 2 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đổi với hành vi tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân (trong đó có sử dụng hình ảnh của người khác mà không được cho phép), nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự ).

    Bên cạnh đó, tại điểm e, khoản 3, điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng có quy định phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh.

    - Truy cứu trách nhiệm hình sự: Tùy vào mục đích của việc sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng. Cụ thể như sau:

    + Tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.

    + Tội “vu khống” được quy định tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với hình thức xử phạt là phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng và phạt tù với mức cao nhất là 07 năm tù giam.

    Theo đó, tùy theo mức độ mà người đăng thông tin, hình ảnh có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định như đã nêu trên.

    (3) Người dùng mạng xã hội cần tuân thủ những quy tắc gì?

    Căn cứ Điều 4 Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021 thì người dùng mạng xã hội cần tuân thủ theo những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như sau:

    - Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.

    - Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

    - Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    - Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.

    - Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

    - Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

    - Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

    - Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

    Theo đó, hiện nay, khi sử dụng mạng xã hội, người dùng cần tuân thủ theo những quy tắc như đã nêu trên.

     
    159 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận