T là sinh viên năm 4 ngành luật, còn H là sinh viên năm 3 ngành toán học. T và H là đôi bạn thân từ bé đến lớn của nhau. Một lần đến nhà T chơi, tình cờ thấy xấp giấy tài liệu học của T, H liền bảo “Mày học Luật kiểu gì vậy, giải toán thua cả học sinh tiểu học!”
T đáp lại “Ơ, sao mày nói thế?”
H chỉ vào xấp giấy của T và bảo “Này, gì mà 20 + 20 = 30, rồi 45% + (3% x 11) = 75%, tiếp 45% + (2% x 16) = 75%...”
“Mày có cần tao đào tạo một khóa tính nhẩm không?”
T bắt đầu cảm thấy bực mình vì giọng mỉa mai của H nên bảo “Dân Luật có cách tính riêng của Dân Luật, mày không hiểu được đâu!”
H: “Riêng là riêng thế nào, tính gì mà thua cả bọn học sinh tiểu học”
T (trong trạng thái bị kích động mạnh): Đây này, mày chưa hiểu ngọn ngành thì không được nói thế nhá, để tao phổ cập kiến thức pháp luật cho mày:
Đầu tiên là bài toán dễ nhất “20 + 20 = 30”
Đó là trường nếu một tên tội phạm mà phạm nhiều tội, mỗi tội đều có mức án phạt tù là 20 năm (mức tối đa cho hình phạt tù) thì tổng hợp lại hắn cũng chỉ phải “bóc lịch” 30 năm tù thôi.
Cái này là theo Khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự 1999.
Tiếp đến là A + B + C = A
Tiếp tục nói đến Bộ luật hình sự 1999 (Khoản 1 Điều 50), đó là nếu tên kia phạm nhiều tội, mà trong đó có tội phải chịu án tử hình hoặc án chung thân (gọi là A), có tội phải chịu hình phạt tù (gọi là B và C) thì cuối cùng hắn ta phải chịu án tử hình hoặc án chung thân.
Cũng bài toán này, áp dụng đối với Luật doanh nghiệp 2014 tại quy định về sáp nhập công ty (Điều 195) thì A được gọi là công ty nhận sáp nhập, còn B và C là công ty bị sáp nhập. Sau khi sáp nhập thì cả 3 công ty A, B, C đều có tên là A.
Khó hơn chút là bài toán có tỷ lệ %:
45% + (3% x 11) = 75% và 45% + (2% x 16) = 75%
Ý mày là 45% + (3% x 11) phải bằng 78% còn 45% + (2% x 16) phải bằng 77% chứ gì?
Nhưng cái này khác, theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 tại Điều 56 thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm, đối với nam là 2% và nữ là 3% nhưng tổng không được quá 75%.
Nghĩa là: nếu mày đi làm đóng BHXH 31 năm, tao đóng BHXH 30 năm thì tao với mày cũng được hưởng lương hưu như nhau vì theo công thức trên thì:
Mày sẽ được hưởng = 45% + [2% x (31-15)] = 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Tao sẽ được hưởng = 45% + [2% x (30-15)] = 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Hoặc là vợ (tương lai) tao đi làm đóng BHXH 25 năm và vợ (tương lai) mày đóng BHXH 26 năm thì cả hai đều được hưởng lương hưu hàng tháng như nhau như công thức nêu trên:
Vợ tao được hưởng = 45% + [3% x (25-15)] = 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Vợ mày được hưởng = 45% [3% x (26-15)] = 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
45% + 6% = 48.3%
Biết tại sao như vậy không, bài toán này dựa trên cách tính tỷ lệ phần trăm tổn lương cơ thể trong giám định pháp y quy định tại Thông tư 20/2014/TT-BYT
Nếu như trên cơ thể người có nhiều 2 phần bị tổn thương và tra cứu vào bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được quy định tại Thông tư này, có 2 phần bị tổn thương được xác định tỷ lệ là 45% và 6% thì tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể không phải là 51% mà được tính theo công thức sau:
T1 = 45%
T2 = (100 – 45) x 6/100% = 3.3%
Tổng tỷ lệ tổn thương trên cơ thể là 45% + 3.3% = 48.3%
Nghe T giải thích đến đây, H há hốc: “Ra là vậy!”, sau đó, dùng ngón tay cái giơ lên, biểu hiện number one và nói “Dân Luật đỉnh thiệt”
T bảo với H: “Còn nhiều bài toán tuyệt lắm, này chỉ mới là cơ bản tao vừa mới hệ thống lại để ôn thi thôi đấy, hôm nào rảnh, tao sẽ chỉ mày thêm”
H gật gù “Ừ, như tao cũng cần phải học hỏi mày thêm”
Đố các bạn, T sẽ chỉ cho H thêm những bài toán nào nữa??