Ngày 18/9/2024, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có Công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học linh động cho học sinh vùng ngập lụt nghỉ học hoặc đề xuất cho học sinh toàn trường nghỉ học tùy thuộc địa bàn xảy ra ngập, lụt cục bộ…
(1) Các trường tại Đà nẵng linh động cho học sinh nghỉ học tránh bão
Cụ thể, tại Công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thực hiện những nội dung như sau:
- Nhắc nhở học sinh và cha mẹ học sinh cẩn trọng khi đi lại trong mưa lớn.
- Thông báo đến học sinh, cha mẹ học sinh ở xa trường, nếu gặp khó khăn, nguy hiểm trong quá trình đi lại trên những tuyến đường ngập lụt có thể liên hệ giáo viên chủ nhiệm, xin phép cho học sinh nghỉ học (nhà trường bảo đảm hỗ trợ bổ sung kiến thức cho học sinh).
- Căn cứ diễn biến tình hình xảy ra ngập lụt cục bộ và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, các trường, trung tâm trực thuộc Sở GD&ĐT báo cáo, đề xuất lãnh đạo sở quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, học viên các đơn vị trực thuộc nghỉ học.
Đối với Phòng GD&ĐT của các quận, huyện, tại Công văn yêu cầu phối hợp với các trường trên địa bàn tham mưu Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học,THCS các trường trên địa bàn nghỉ học.
Đối với các trường đại học tư thục trên địa bàn Thành phố chủ động quyết định việc đi học của sinh viên, học viên.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng nêu rõ, việc cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học phải được thông báo sớm để chủ động thực hiện, tránh gây xáo trộn, trở ngại, nhất là trong quá trình đi lại và triển khai bán trú.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với tình hình, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của sở, lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống thiên tai, bão lụt. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra; bảo đảm liên lạc thường xuyên, thông suốt hai chiều giữa lãnh đạo Sở (Phòng) - thủ trưởng các đơn vị, trường học - giáo viên chủ nhiệm - phụ huynh (học sinh, học viên).
(2) Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai là gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Phòng chống thiên tai 2013 có quy định về các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai như sau:
- Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
- Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
- Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.
- Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Theo đó, khi phòng chống thiên tai cần tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như đã nêu trên.