Ngày 11/10/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa
Xem toàn văn Thông Báo 2124/TB-TTCP ngày 11/10/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/12/2-2024-cq-2124.docx
Đã có kết luận thanh tra về chuyển đổi mục đích SDĐ của DNNN và doanh nghiệp cổ phần hoá
Theo Thông Báo 2124/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 09 khu đất/dự án tại 3 tỉnh, thành phố sau đây:
(1) Khu đất 2.291 m2 tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội
(2) Khu đất 6.364,8 m2 tại ngõ 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
(3) Khu đất 14.346,6 m2 tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội
(4) Khu đất 23.380 m2 tại số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội
(5) Khu đất 1.090 m2 tại số 244 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
(6) Khu đất 6.849,9 m2 tại số 5 đường 22 Khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
(7) Khu đất 96.251,5 m2 tại số 8 Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An), tỉnh Bình Dương
(8) Khu đất 64.050 m2 tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
(9) Khu đất 47.882,8 mỉ tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Thanh tra Chính phủ kết luận: Thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011-2019 đã đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả sử dụng đất được phát huy, đáp ứng được một phần nguồn cung nhà ở cho người dân... Tuy nhiên việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, thực hiện dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ, các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp còn để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.
Tại Thông Báo 2124/TB-TTCP Thanh tra Chính phủ đã nêu cụ thể các vi phạm và xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan.
Kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm
Theo đó, trên cơ sở Kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị:
(1) Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố:
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
(2) Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư dự án.... các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể nêu tại Thông Báo 2124/TB-TTCP.
(3) Đề nghị Bộ Công an:
- Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật
- Tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật.
Xem chi tiết các chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại Thông Báo 2124/TB-TTCP ngày 11/10/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/12/2-2024-cq-2124.docx
Thanh tra Chính phủ có những nhiệm vụ, quyền hạn nào?
Theo Điều 15 Luật Thanh tra 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ như sau:
- Trong quản lý nhà nước về thanh tra, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Xây dựng chiến lược, Định hướng chương trình, văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra trình cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt hoặc ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra;
+ Lập kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra;
+ Chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra;
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế thanh tra các cấp, các ngành, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên các cấp, các ngành;
+ Yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra; tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra;
+ Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ;
+ Thực hiện hợp tác quốc tế về công tác thanh tra.
- Trong hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;
+ Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao;
+ Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi cần thiết.
- Quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Như vậy, Thanh tra Chính phủ sẽ có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định trên.