Về trường hợp anh nêu - người có hành vi vi phạm hành chính chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt VPHC - vậy thì việc cần làm ở đây là ra quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục này.
Theo Điều 86, Điều 88 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
"Điều 86. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này.
2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
...
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Điều 88. Thi hành quyết định cưỡng chế
1. Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
2. Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế:
a) Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế;
b) Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu;
c) Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức đó số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp thì tổ chức tín dụng vẫn phải giữ lại và trích chuyển số tiền đó. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của họ.
Về việc mà người bị phạt VPHC từ chối thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với lý do như anh nêu - chỉ là người được thuê - thì nó không có hợp lý, và nếu như người này không tự nguyện thực hiện thì cơ quan ra quyết định xử phạt phải cưỡng chế buộc họ thực hiện.
Hơn nữa, thông tin anh đưa ra khá mâu thuẫn, nếu những người này bảo rằng họ chỉ là người được thuê nên không thực hiện biện pháp khắc phục vậy thì họ có chịu nộp phạt hay không ? Nếu họ chịu nộp phạt và đã nộp phạt rồi thì không có lập luận nào để nói rằng họ không có trách nhiệm thực hiện việc khắc phục hậu quả. Còn nếu họ không chịu nộp phạt thì cơ quan nhà nước phải cưỡng chế cả việc nộp phạt và việc thực hiện khắc phục hậu quả.
Còn việc khởi tố điều tra thì không rõ là anh muốn điều tra vì tội danh gì, với thông tin anh đưa ra thì không tội phạm hình sự nào xảy ra (chỉ có hành vi vi phạm pháp luật hành chính và bị phạt VPHC).